Thắng cảnh Hòn Cau của Bình Thuận được xếp hạng Di tích cấp tỉnh

NDO - Ngày 8/11, thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, ngày 7/11 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh đã ký Quyết định số 2332/QĐ-UBND xếp hạng Di tích cấp tỉnh đối với thắng cảnh Hòn Cau, xã Phước Thể, huyện Tuy Phong.
0:00 / 0:00
0:00
 Những nét hoang sơ, độc đáo của Hòn Cau đã trở thành thế mạnh, tiềm năng quý giá để phát triển du lịch. (Ảnh: NGỌC LÂN)
Những nét hoang sơ, độc đáo của Hòn Cau đã trở thành thế mạnh, tiềm năng quý giá để phát triển du lịch. (Ảnh: NGỌC LÂN)

Quyết định cũng giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban nhân dân huyện Tuy Phong thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với “Thắng cảnh Hòn Cau” theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Hòn Cau là đảo nhỏ gần bờ thuộc địa phận xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cách đất liền khoảng 9km về phía đông, cách thành phố Phan Thiết khoảng 110km về hướng đông bắc. Bên cạnh đó, đảo còn có nhiều tên gọi khác như: Lao Cau, Cù Lao Câu.

Đảo Hòn Cau nằm trải dài theo chiều đông bắc-tây nam dài khoảng 1,4km, chiều rộng nhất gần 700m; có diện tích khoảng 67,68ha, chu vi đường vòng chân đảo khoảng 4.608m.

Trên đảo có hàng nghìn khối đá chủ yếu là đá granite với nhiều kích thước, màu sắc và hình thù độc đáo, là sản phẩm kiến tạo địa chất qua hàng triệu năm.

Chung quanh đảo có nhiều bãi đá được phân bố thành nhiều tầng, nhiều lớp kết nối với nhau vừa có tác dụng ngăn cản độ xói mòn, xâm thực của sóng gió lên đảo.

Cạnh đó là những thảm thực vật hết sức phong phú với nhiều loại cây dại, cây bụi nở hoa quanh năm nhất là vào mùa xuân, góp phần đáng kể vào việc tô đẹp thêm cảnh quan thiên nhiên nơi đây. Những nét hoang sơ, độc đáo của cảnh quan nơi đây đã trở thành thế mạnh, tiềm năng quý giá để phát triển du lịch.

Thắng cảnh Hòn Cau là một quần thể bao gồm phần đảo chính và vùng biển bao quanh đảo.

Thắng cảnh Hòn Cau của Bình Thuận được xếp hạng Di tích cấp tỉnh ảnh 1

Chung quanh đảo có nhiều bãi đá có tác dụng ngăn cản độ xói mòn, xâm thực của sóng gió lên đảo. (Ảnh: NGỌC LÂN)

Ngày 15/11/2010, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận có Quyết định thành lập Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Đến tháng 12/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định 3106/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái bền vững có sự tham gia của cộng đồng tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Khu bảo tồn biển Hòn Cau có hệ động thực vật dưới nước rất phong phú và đa dạng với nhiều loài hải sản quý hiếm, đặc trưng bởi tính đa dạng sinh học và các rạn san hô có độ bao phủ cao, trong đó, có nhiều loài chỉ có ở vùng biển Hòn Cau.

Ngoài ra, Hòn Cau còn nổi tiếng bởi đây là nơi sinh sống và là bãi sinh sản của nhiều loài thủy sinh vật quý hiếm, có giá trị kinh tế và sinh thái quan trọng. Đặc biệt, đây là một trong 3 địa điểm có rùa biển về đẻ trứng và có loài trai tai tượng khổng lồ phân bố rộng khắp.

Thắng cảnh Hòn Cau rất phù hợp cho loại hình du lịch khám phá thiên nhiên, khám phá các rạn san hô nhiều màu sắc, đa dạng sinh học rất lý thú trong lòng đại dương.

Đồng thời, đây còn là phòng thí nghiệm sống, quan trọng phục vụ cho việc nghiên cứu biển, tham quan, học tập của các trường trong khu vực về các giá trị sinh học biển và đại dương, bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là những loài thủy sản quý hiếm có giá trị kinh tế và sinh thái quan trọng.