Tuy nhiên, tìm hiểu cụ thể thì bản chất sự việc không như nhiều người lầm tưởng.
Cụ thể, ngày 22/2/2023, Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 12 có văn bản chỉ đạo về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi tới: nhóm trẻ lớp mẫu giáo, lớp mầm non; trường mẫu giáo, mầm non (công lập và ngoài công lập); trường tiểu học (công lập và ngoài công lập), trường trung học cơ sở;...
Điều đáng nói là nội dung văn bản nêu rõ việc lấy ý kiến đối với các cơ sở giáo dục công lập là toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên tại đơn vị. Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập là chủ đầu tư các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non, trường mầm non, trường tiểu học ngoài công lập và toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên tại đơn vị.
Văn bản này sau đó đã xuất hiện trên mạng, tuy nhiên ảnh chụp văn bản chỉ có phần tiêu đề và mục kính gửi mà thiếu hoàn toàn nội dung chính. Một số người mới chỉ đọc vài dòng mở đầu của văn bản nên đã có sự nhầm lẫn về đối tượng lấy ý kiến, trong đó có trẻ mẫu giáo, mầm non. Với cách hiểu như vậy, các ý kiến (trong đó có cả người nổi tiếng) cho rằng, đây là một chỉ đạo không phù hợp, thậm chí không nghiêm túc, thậm chí lên án việc làm trên.
Sự việc ngày càng bị đẩy đi quá xa, các đối tượng cực đoan, phản động, thiếu thiện chí đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, quyền dân chủ để đăng tải luận điệu xuyên tạc về nội dung, ý nghĩa của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng như chống phá hoạt động lấy ý kiến nhân dân, gây mất lòng tin của nhân dân.
Cần thấy rằng, việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, hoàn thiện dự án Luật quan trọng này theo hướng sát với thực tiễn và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của mọi công dân.
Theo đó, các đối tượng lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm: Các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị-xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.
Việc lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân sẽ là cơ sở quan trọng để Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích của nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.
Từ sự việc trên đây một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh trong cộng đồng về việc tiếp nhận thông tin. Mỗi sự việc, hiện tượng cần được đánh giá khách quan, toàn diện, dựa trên các dữ liệu đầy đủ, tin cậy. Vội vã tin, nghe theo và lan truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, rất có thể người sử dụng mạng xã hội đang tiếp tay cho tin giả, tin xấu độc phát tán.
Việc làm này không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng mà bản thân người phát tán thông tin có thể bị liên lụy, thậm chí phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.