Thận trọng khi nhân rộng không gian đi bộ

Từ nay đến cuối năm 2023, dự kiến thành phố Hà Nội sẽ có thêm ba không gian đi bộ nữa. Hai trong số đó nằm trên địa bàn quận Đống Đa, gồm: tuyến phố ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết, phố đi bộ Văn Miếu-Quốc Tử Giám; tuyến còn lại là khu vực quanh hồ Ngọc Khánh (quận Ba Đình). 
0:00 / 0:00
0:00
Phố đi bộ đảo Ngọc - Ngũ Xã, quận Ba Đình, Hà Nội. (Ảnh: Giang Nam)
Phố đi bộ đảo Ngọc - Ngũ Xã, quận Ba Đình, Hà Nội. (Ảnh: Giang Nam)

Như vậy, sắp tới, thành phố sẽ có gần 10 không gian đi bộ, tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành. Hà Nội hiện có sáu không gian đi bộ, song không phải không gian nào cũng thành công. Phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) vốn được kỳ vọng rất nhiều, nhưng thường xuyên vắng khách.

Sắp tới, thành phố sẽ có gần 10 không gian đi bộ, tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành.

Hiện không gian này phải tạm dừng để cải tạo, nhằm tăng sức hút. Không gian đi bộ tại phố Trần Nhân Tông-Công viên Thống Nhất dù không quá vắng khách, nhưng sau gần nửa năm hoạt động, không gian này chủ yếu là nơi đi dạo của người dân khu vực, chưa thu hút khách du lịch. Trong sáu không gian đi bộ, chỉ có bốn không gian hiệu quả, gồm: Hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ Hà Nội (quận Hoàn Kiếm), thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) và khu vực đảo Ngọc-Ngũ Xã (quận Ba Đình).

Quá trình hoạt động của các không gian đi bộ cho thấy, thành công hay thất bại đều do các yếu tố chủ yếu sau: Lợi thế về vị trí địa lý, vẻ đẹp cảnh quan và những đặc trưng văn hóa. Điển hình như phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Hồ Hoàn Kiếm là di tích quốc gia đặc biệt, luôn là lựa chọn số một của khách du lịch khi đến Thủ đô. Phố đi bộ quanh thành cổ Sơn Tây nằm ở trung tâm xứ Đoài, địa bàn đang thiếu không gian vui chơi, giải trí...

Việc tổ chức thành không gian đi bộ với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trưng bày, triển lãm... gia tăng thêm sức hút cho những không gian này. Trong khi đó, khu vực đảo Ngọc-Ngũ Xã lại tạo sức hút bằng các món ẩm thực. Việc phố đi bộ Trần Nhân Tông-Công viên Thống Nhất khó hấp dẫn khách du lịch do nằm khá gần không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và gặp phải sự “cạnh tranh” trực tiếp từ không gian này. Trong khi đó, phố đi bộ Trịnh Công Sơn dù có lợi thế về cảnh quan gần hồ Tây, nhưng không gần những trung tâm du lịch lớn, những hoạt động văn hóa ở đây lại chưa đủ hấp dẫn để “kéo” khách du lịch đến thưởng thức.

Ngoài ba tuyến phố sẽ triển khai từ nay đến cuối năm 2023, quận Tây Hồ dự định tổ chức không gian đi bộ tại phố Nguyễn Đình Thi, quận Đống Đa mở thêm tuyến phố đi bộ Hoàng Cầu-Hào Nam... Điều này dẫn đến việc nhân rộng nhưng thiếu hiệu quả do các phố đi bộ đặt gần nhau.

Câu chuyện nhãn tiền là việc phố đi bộ Trịnh Công Sơn đang vắng khách và phải tạm dừng hoạt động để nâng cấp, nếu có thêm nhiều tuyến phố đi bộ khác, nhất là phố đi bộ Nguyễn Đình Thi ở ven hồ Tây, thì khu phố này đứng trước khả năng... “tắt đèn”.

Hiện nay, việc tổ chức phố đi bộ do các quận, huyện đề xuất. Với tư cách là “tổng chỉ huy”, khi quyết định cấp phép hoạt động, thành phố Hà Nội cần đặt các không gian đi bộ trong một cái nhìn tổng thể để có sự điều phối tổ chức, bảo đảm về đặc trưng văn hóa, về khoảng cách giữa các không gian... Việc hoạt động kém hiệu quả, mở ra rồi lại đóng vào, sẽ gây lãng phí.