Hội thảo có sự tham dự của Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam và nhiều nhà khoa học; lãnh đạo huyện Cô Tô và các đồng chí nguyên lãnh đạo huyện qua các thời kỳ.
Bản thảo cuốn Địa chí huyện Cô Tô được trình bày theo 6 phần chính với gần 1.000 trang sách.
Cuốn sách sẽ là tài liệu quý báu về địa lý, lịch sử, văn hóa, con người huyện đảo Cô Tô, đồng thời quảng bá hình ảnh Cô Tô từ quá khứ tới hiện tại với khách du lịch.
Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cô Tô Nguyễn Việt Dũng phát biểu tại Hội thảo. |
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Đức Cường lưu ý khi biên soạn cần tập trung nghiên cứu sâu về hệ thống chính trị; Cần tìm văn hóa chính đặc trưng của Cô Tô; các ngành đánh bắt thủy sản, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch; công tác bảo đảm Quốc phòng-an ninh chủ quyền biển đảo; các đơn vị trực thuộc của huyện cần bổ sung quá trình hình thành phát triển...
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Đức Cường phát biểu tham gia ý kiến tại Hội thảo. |
Theo Tiến sĩ, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn Nguyễn Song Tùng, cuốn Địa chí huyện Cô Tô phản ánh tâm huyết, trí tuệ của các nhà khoa học nghiên cứu, biên soạn chính xác cụ thể. Tuy nhiên để cuốn sách trở thành cẩm nang, tài liệu quý giá của nhân dân Cô Tô là việc vô cùng quan trọng và bày tỏ mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học tiếp tục hỗ trợ, góp ý để Viện Địa lý hoàn thiện cuốn địa chí huyện Cô Tô trong thời gian sớm nhất đáp ứng cho hội thảo lần 2 và tiến tới thẩm định và xuất bản theo đúng thời gian quy định.
Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Cuốn Địa chí Cô Tô. |
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cô Tô Nguyễn Việt Dũng cho rằng, việc xây dựng cuốn Địa chí Cô Tô là rất cần thiết và được sự ủng hộ to lớn của các thế hệ cán bộ, nhân dân huyện Cô Tô. Đây sẽ là cuốn sách tổng quan, đầy đủ nhất về địa lý, lịch sử, chính trị, văn hóa, kinh tế-xã hội của quần đảo Cô Tô.
Cuốn Địa chí sẽ là giáo trình, cẩm nang từ điển du lịch để truyền tải thông tin xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển của Cô Tô cho nhân dân, du khách trong và ngoài nước. Đồng thời góp phần khẳng định vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Cô Tô gắn với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đề nghị bổ sung, làm rõ một số nội dung liên quan như: vai trò, tầm quan trọng tại sao Cô Tô được thành lập huyện; hiệu quả phát triển du lịch trong đó có du lịch cộng đồng để khẳng định tầm quan trọng của ngành du lịch; khai thác văn hóa các dân tộc đã từng cư trú trên địa bàn làm giàu thêm bản sắc văn hóa; quá trình hình thành và phát triển của Cô Tô qua các thời kỳ; Nghiên cứu, biên soạn trên căn cứ Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh; nhấn mạnh công tác bảo đảm quốc phòng an ninh biển đảo; Thông tin về quy hoạch chung của huyện, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch du lịch, quy hoạch thủy sản, quy hoạch khu nuôi trồng; nét đặc trưng văn hóa biển của Cô Tô…