Thắm mãi con đường tuổi 20

Giữa lòng Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, không khí trong lành, thanh tịnh. Chạm đến không gian Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đường 20 Quyết thắng, khung cảnh càng tĩnh lặng hơn. Chỉ ít ngày nữa, tỉnh Quảng Bình tổ chức lễ tưởng niệm 50 năm Ngày hy sinh các Anh hùng liệt sĩ tại Hang tám thanh niên xung phong đường 20 Quyết thắng nên công việc chuẩn bị diễn ra tất bật, chu đáo.
0:00 / 0:00
0:00
Dâng hương trong hang đá ở Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đường 20 Quyết thắng.
Dâng hương trong hang đá ở Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đường 20 Quyết thắng.

Đã 50 năm trôi qua song đối với mỗi cựu chiến binh Trường Sơn, đường 20 Quyết thắng vẫn là miền ký ức sâu đậm về một thời tuổi xuân ra trận và luôn đau đáu ngày trở lại để thắp nén hương tưởng nhớ đồng đội.

Tuyến đường “kỳ công, kỳ tích, kỳ quan”

Thông thường, ở miền trung nói chung, Quảng Bình nói riêng tháng 11 vẫn có mưa lũ song năm nay lại khác, không khí lạnh khô tràn về làm cho trời heo may và nắng nhẹ. Ngược đường 20 lên với đại ngàn Trường Sơn, không gian như thoáng đãng, càng dễ chịu hơn. Qua cầu Trạ Ang trên nhánh tây đường Hồ Chí Minh chạy thêm chừng 3km, chúng tôi có mặt tại Đền tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Hang tám thanh niên xung phong, mà người dân địa phương thường gọi là hang Tám Cô.

Theo tài liệu của Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh, từ cuối năm 1964, bộ đội Trường Sơn bắt đầu chuyển từ gùi thồ sang vận chuyển cơ giới. Tuyến vượt khẩu cơ giới duy nhất lúc này là đường 12 từ Khe Ve, Mụ Giạ, nối với đường 128 trên đất Lào, qua Seng Phan, Lùm Bùm... nhập vào đường 9 tại Na Bo. Thế nhưng, khó khăn là suốt mấy tháng mùa mưa Seng Phan lại trở thành túi nước, thành “tử huyệt” trên đường 128, cắt ngang tuyến vận tải. Chiến trường đang đợi! Mỗi cân gạo, mỗi khẩu súng đến đích kịp thời sẽ góp phần quyết định sự thắng bại của mỗi trận đánh. Trước tình thế đó, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 trình và được Quân ủy Trung ương chuẩn y kế hoạch mở trục đường ngang mới xuất phát từ Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Ngày 21/1/1966, đúng mồng 1 Tết Bính Ngọ, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 bắt đầu chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi”. Tất cả các lực lượng được lệnh đồng loạt thi công từ hai hướng đông-tây. Tại dốc Ba Thang với vách núi đá dựng đứng, các chiến sĩ công binh phải treo mình trên vách đá, mồ hôi thấm ướt lỗ mìn. Sau 15 ngày đêm liên tục thi công với choòng tay và thuốc nổ, Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 10 làm nên kỳ tích: “Hạ gục Ba Thang”.

Mũi phía tây là công trường 128 thi công từ Lùm Bùm đến Ta Lê, tuy khối lượng công việc ít hơn nhưng cũng không kém phần vất vả do đoạn qua đèo Phu La Nhích dốc dựng đứng, đoạn qua các sông nước rất xiết. Sau gần bốn tháng thi công, ngày 14/4/1966, hai cánh thi công đã gặp nhau ở khu vực biên giới Việt Nam-Lào. Đường cơ bản thông, ngày 5/5/1966, đoàn xe 15 chiếc của Binh trạm 14 chở gạo đi qua. Tháng 3/1973, cán bộ, chiến sĩ bộ đội Trường Sơn vinh dự đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương vào thăm. Đứng trên trọng điểm ATP (đoạn cua chữ A, ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích) còn nguyên mầu đất đỏ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Đường 20 xứng đáng là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan”.

Sự hy sinh bất tử

Cũng theo Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam, đường 20 là trục ngang có mật độ bom đạn trên 1km đường thuộc loại cao nhất Trường Sơn. Có thời điểm như khoảng cuối tháng 11/1969, suốt 15 ngày đêm, địch sử dụng B-52 kết hợp với máy bay cường kích F-105, F-4 đánh liên tục vào trọng điểm ATP. Trong 15 ngày, số bom Mỹ ném xuống ATP lên đến 17.625 tấn; trung bình 1km đường là 2.203 tấn (mỗi mét đường chịu 2,2 tấn bom). Đây là những con số vô cùng kinh khủng đối với bất kỳ cuộc chiến nào trên thế giới.

Và chiều 14/11/1972 trở thành buổi chiều bi tráng. Tám thanh niên xung phong thuộc Đại đội 217, Ban Xây dựng 67, Đoàn 559 đang vá đường thì còi báo động máy bay đến đánh phá, họ cùng với năm chiến sĩ pháo cao xạ chạy vào trú ẩn trong hang đá tại Km16+200. Máy bay địch ném một loạt bom làm rung chuyển núi rừng, khối đá nặng hơn 100 tấn đổ ập xuống bịt kín miệng hang nơi các anh, chị thanh niên xung phong: Đỗ Thị Loan, Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Hữu Phương, Trần Thị Tơ, Hoàng Văn Vụ, Nguyễn Mậu Kỷ, Lê Thị Lương, Lê Thị Mai đều cùng quê huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa và các chiến sĩ pháo cao xạ: Mai Đức Hùng, Đinh Công Đính, Nguyễn Văn Quận, Sầm Văn Mắc, Nguyễn Văn Thủy trú ẩn. Chỉ trừ người anh cả Nguyễn Mậu Kỷ lúc đó 25 tuổi, còn lại đều mới mười tám, đôi mươi.

Mọi người có mặt trong thời điểm đó đều nghe rõ tiếng kêu cứu của đồng đội từ sau tảng đá vọng ra: “Mẹ ơi, bầm ơi cứu con với…”. Tiếng kêu cứu làm xót xa, thắt lòng đồng đội bên ngoài. Vì thế, cứ mỗi khi hết đợt đánh phá của địch, bộ đội công binh, lực lượng thanh niên xung phong lại tìm cách phá đá mở cửa hang. Đồng đội đã lấy ống tuy-ô luồn qua kẽ hở để đưa nước uống và lương khô quấy nhuyễn vào cho những người mắc kẹt trong hang. Các phương án phá, kéo đá cứu người đều không thành công, tiếng kêu cứu yếu dần. Sau chín ngày, đồng đội bên ngoài không còn nghe được tiếng kêu khóc bên trong hang nữa…

Ông Nguyễn Đức Thắng, 85 tuổi, trú tại xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nguyên chính trị viên C217 kể: “Trong số các liệt sĩ thì Nguyễn Văn Huệ và Trần Thị Tơ yêu nhau từ hồi còn ở quê nhà xã Hoằng Trường, vào thanh niên xung phong ở Trường Sơn họ cùng đơn vị, tình yêu vì thế càng được nhen lên. Trước ngày định mệnh đó, hai em đến gặp tôi xin cưới nhau tại đơn vị. Sau khi hội ý chỉ huy, tôi nói hai em lùi lại một tháng để sau khi hết nghĩa vụ trở về quê hương rồi cưới cũng chưa muộn. Họ vui vẻ đồng ý. Thế nhưng bom đạn chiến tranh đã cướp đi mối tình Trường Sơn đẹp đẽ như vậy.

Đứng trước cửa hang, lúc đó, tôi đã gọi tên hai em rất to và mong họ mãi mãi bên nhau. Khúc tráng ca đường 20 Quyết thắng ấy, tôi không bao giờ quên!”. Trưởng Ban quản lý Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đường 20 Quyết thắng Nguyễn Tứ Vị là người có rất nhiều năm gắn bó với không gian tâm linh này. Bởi thế, anh đã tìm hiểu và chứng kiến nhiều câu chuyện tâm linh diễn ra nơi đây. Anh Vị kể, Đền tưởng niệm này gắn với con số 8 như một sự trùng hợp đến kỳ lạ: Binh trạm 14 phụ trách đường 20 trong kháng chiến chống Mỹ có 8 tập thể và 8 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang; tiểu đội nữ 8 thanh niên xung phong phụ trách đoạn đường qua trọng điểm Km16+200 trước đây nay để lại địa danh hang Tám Cô; 8 liệt sĩ đều quê quán Hoằng Hóa nhập ngũ cùng đợt, hy sinh cùng nơi và một lần.

Đặc biệt, câu chuyện ấn tượng nhất mà anh Nguyễn Tứ Vị và những người quản lý Đền kể là về chuối rừng mọc trước cửa hang Tám Cô. Cứ mỗi lần có sự kiện lớn ở đây, cây chuối đơm hoa, kết trái, đậu đúng 8 nải rồi thôi. Lạ kỳ thay, không chỉ một mà nhiều lần lắm rồi. “Đứng dưới vòm hang Tám Cô ngước mặt nhìn lên, cây chuối mọc xen giữa tán lá rừng thân khẳng khiu và đã nhiều “tuổi” trổ buồng đủ 8 nải xanh tươi tắn. Anh em có ngóng, có đếm chi cũng không thấy đậu thêm! Phải chăng linh hồn các liệt sĩ đã trở thành bất tử, ứng hóa vào cây cỏ, núi rừng Trường Sơn”- anh Nguyễn Tứ Vị chia sẻ.

Chiến tranh đã lùi xa, tuyến đường 20 Quyết thắng huyền thoại đang từng ngày hồi sinh, nâng bước mỗi người trong những chuyến trở lại chiến trường xưa và cũng là cầu nối mang đến nhịp sống mới nơi đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

Trong bản đồ du lịch Quảng Bình, “Đền tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ đường 20 Quyết thắng” là điểm tham quan, thăm viếng nổi tiếng thu hút du khách. Những ngày này, Ban Quản lý Đền tưởng niệm tất bật với các hoạt động chuẩn bị cho lễ tưởng niệm 50 năm Ngày hy sinh của các liệt sĩ tại đây. Du khách khắp mọi miền, nhất là cựu chiến binh Trường Sơn và thân nhân các liệt sĩ bắt đầu tổ chức đoàn thăm viếng làm cho không gian tôn nghiêm, thanh tịnh nơi đây càng thêm lắng lại.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch Lê Văn Đại cho biết, đồng bào dân tộc thiểu số 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch, huyện Bố Trạch vui mừng khi tỉnh Quảng Bình vừa khởi động dự án nâng cấp đường 20 Quyết thắng, đồng thời đề xuất Bộ Giao thông vận tải nâng cấp thành quốc lộ nhằm gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử tuyến đường và hỗ trợ phát triển kinh tế vùng biên giới phía tây của tỉnh.

Và, như vậy, tuyến đường thắm mãi tuổi 20 khắc ghi kỳ tích làm nên nó, tạo nên những nốt nhạc trầm bổng hòa thành bản hùng ca Trường Sơn huyền thoại sẽ được viết tiếp bài ca no ấm phía đại ngàn.