Những việc làm vì dân - Những việc làm phiền dân

Thầm lặng giành lại sự sống cho trẻ sinh non

Mỗi năm, Trung tâm Chăm sóc và Ðiều trị sơ sinh (CS và ÐTSS) Bệnh viện Phụ sản Trung ương tiếp nhận, điều trị khoảng 4.000 ca trẻ sơ sinh nhẹ cân, non tháng, 30% trong số này cân nặng dưới 1.500 gram, tuổi thai dưới 30 tuần. Tại trung tâm thường xuyên có khoảng 400 trẻ được chăm sóc, điều trị đặc biệt, trong đó có nhiều trẻ sinh cực non tháng, cân nặng chỉ 500 đến 600 gram. Việc chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1.000 gram, sinh non tháng, cơ thể chưa hoàn thiện là công việc vô cùng khó khăn, đòi hỏi các bác sĩ phải thật sự giỏi nghề, tận tâm, kinh nghiệm cùng với các trang thiết bị y tế kỹ thuật cao, chi phí rất tốn kém. Công việc khó khăn, áp lực là vậy, nhưng đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng của trung tâm vẫn ngày đêm quyế

Năm 2018, trung tâm nuôi dưỡng thành công bé gái sinh non ở tuần thai 26, cân nặng chỉ 500 gram. Ðó là con gái đầu lòng sau nhiều năm điều trị hiếm muộn của một sản phụ ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Bé chào đời trong tình trạng hệ hô hấp chưa hoàn thiện, thở thoi thóp, phản xạ yếu, sự sống rất mong manh. Ngay sau khi sinh, bé đã được các bác sĩ trung tâm điều trị, theo dõi, chăm sóc kết hợp dinh dưỡng từ sữa mẹ. Sau ba tháng nuôi dưỡng, cân nặng của bé đạt 2.650 gram, bảo đảm đủ điều kiện về sức khỏe và được xuất viện. Cũng trong năm này, trung tâm đã cứu sống hai trẻ sinh đôi có cân nặng chỉ 500 gram và gần 20 trẻ có cân nặng chỉ 600 đến 700 gram.

Ngày 22-5-2019, bé Bình An, con của sản phụ Nguyễn Thị Liên bị ung thư vú giai đoạn cuối đã chào đời khi mới 31 tuần tuổi thai, cân nặng 1.500 gram, không tự thở, phản xạ kém, rất non yếu và phù nhẹ. Ngay sau khi sinh, bé lập tức được đưa tới Trung tâm CS và ÐTSS để chăm sóc đặc biệt. Các bác sĩ tiên lượng những khó khăn khi điều trị gồm: suy hô hấp nặng do bệnh màng trong, suy giảm miễn dịch do mẹ dùng nhiều thuốc, sức khỏe kém, bản thân trẻ không tạo được sức đề kháng, kết quả cấy máu vi khuẩn Seratia (+) ngay sau sinh… Sau gần hai tháng được chăm sóc đặc biệt tại trung tâm, bé Bình An đã có cân nặng là 2.400 gram, bảo đảm đủ tiêu chuẩn về sức khỏe và được xuất viện cùng mẹ vào ngày 15-7-2019.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm CS và ÐTSS thì với những trẻ sinh non, tất cả các cơ quan gan, thận, não, ruột đều non yếu. Các bé thường gặp nhiều vấn đề về sức khỏe như: ngạt suy hô hấp do phổi chưa trưởng thành, suy tim, nhiễm trùng, viêm ruột hoại tử, có nguy cơ chết cao hoặc di chứng tàn tật suốt đời như bại não, giảm vận động, bệnh lý võng mạc, mù lòa...

Chăm sóc, điều trị các bé sinh non là một cuộc chiến thầm lặng đòi hỏi sự cố gắng, kiên nhẫn, bền bỉ của cả cha mẹ và các bác sĩ, điều dưỡng. Ðó là những bữa ăn vội, những đêm thức trắng, những giây phút giành giật với tử thần, những âu lo và hy vọng. Mỗi bé được xuất viện khỏe mạnh đã mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho gia đình và cho cả những "chiến binh" thầm lặng ở Trung tâm CS và ÐTSS, những người vẫn đang ngày đêm nỗ lực giành lại sự sống cho những người bệnh "tí hon".

Anh Thơ (Hà Nội)

Chậm xử lý nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm

 

Theo phản ánh của ông N.V.H và những người dân ở thị trấn Quỳ Hợp (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An), từ lâu họ đã cảm thấy bất an khi Nhà máy nước Quỳ Hợp lấy nguồn nước thô từ sông Nậm Huống để sản xuất nước sạch cung cấp cho thị trấn. Bởi đầu nguồn sông Nậm Huống chảy từ các xã Châu Hồng, Châu Thành có nhiều mỏ khai thác thiếc. Người dân lại càng lo lắng hơn, mỗi khi trời mưa xuống, nước từ các mỏ thiếc tràn xuống suối, chảy ra sông Nậm Huống. Nghiêm trọng hơn, sau khi vỡ đập bùn thải tại mỏ thiếc Suối Bắc (xã Châu Thành), qua kiểm tra nguồn nước thô vào Nhà máy nước Quỳ Hợp thì nhiều chỉ số không đạt tiêu chuẩn. Theo kết quả phân tích của Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Nghệ An đã xác định nguồn nước thô - đầu vào cho Nhà máy nước Quỳ Hợp có nhiều chỉ tiêu vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt như: Tổng chất rắn lơ lửng (TSS) vượt 2,13 lần; Asen (As) vượt 1,35 lần; Chất hoạt động bề mặt vượt hai lần; Crom VI (Cr6+) vượt 1,05 lần... Ngày 22-11-2017, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An có Công văn số 6201/STNMT-NBHÐ yêu cầu Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An (chủ quản của Nhà máy nước Quỳ Hợp) thực hiện các nội dung thay thế đường ống dẫn nước; có giải pháp xử lý nước sinh hoạt bảo đảm đúng quy chuẩn; đồng thời phối hợp huyện Quỳ Hợp khảo sát, lựa chọn nguồn nước thô thay thế. Cùng với đó, nhiều lần cử tri, lãnh đạo địa phương các cấp đã có ý kiến bằng văn bản trình lên Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An và các cơ quan chức năng, đề nghị giải quyết nguyện vọng của cử tri trên địa bàn, song sự việc vẫn đang "dẫm chân tại chỗ".

Chủ tịch UBND thị trấn Quỳ Hợp Nguyễn Thanh Quỳnh cho biết, lãnh đạo thị trấn cùng các ngành chức năng liên quan cũng đã đi khảo sát nguồn nước ở nhánh sông khác chảy từ xã Châu Lý ra bảo đảm hơn vì đầu nguồn không có tình trạng khai thác mỏ thiếc; vị trí này cách Nhà máy nước Quỳ Hợp khoảng 3 km. Tuy nhiên, phía nhà máy cho rằng, kinh phí để thay đổi vị trí lấy nguồn nước thô rất lớn, cho nên chưa thực hiện được.

Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp Nguyễn Ðình Tùng khẳng định: Huyện đã nhiều lần đề nghị vấn đề này lên các cơ quan cấp tỉnh và đang chờ quyết định của UBND tỉnh. Trong thời gian này, chúng tôi chỉ còn cách khuyến cáo người dân nên xây bể dự trữ nước mưa để sử dụng; hoặc khoan giếng để lấy nước tự nhiên, bảo đảm hơn. Nếu Nhà máy nước Quỳ Hợp không thay đổi vị trí lấy nước thô thì đề nghị UBND tỉnh Nghệ An cho phép doanh nghiệp khác đầu tư xây dựng nhà máy cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng.

THÀNH CHÂU và ÐỨC THẮNG

(Nghệ An)