“Thái sư Trần Thủ Độ” là một trong hai bộ phim của nhà sản xuất Tất Bình thực hiện trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long hồi năm 2010. Đây là một trong những phim truyền hình được đầu tư với số vốn rất lớn: hơn 50 tỷ đồng cho 34 tập phim, do UBND TP Hà Nội đặt hàng Hãng phim truyện Việt Nam thực hiện, khởi quay từ năm 2009. Ê kíp làm phim gồm nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn Đào Duy Phúc, các diễn viên Lan Hương, Hoàng Dũng, Hứa Vĩ Văn, Lã Thanh Huyền, Thiên Bảo, Bùi Bài Bình, Trần Đức…
Hơn 100 diễn viên trong nam, ngoài bắc cùng khoảng một nghìn diễn viên quần chúng đã tham gia bộ phim. Cảnh quay trong phim trải dài từ Hà Nội, Ninh Bình cho đến Huế, và một số cảnh được quay tại trường quay Hoành Điếm (Trung Quốc) với một số chỉnh sửa cho phù hợp với kiến trúc Việt Nam. Vì một vài lý do, bộ phim đã không được bàn giao kịp đúng vào dịp Đại lễ và ngậm ngùi chịu cảnh “cất kho”.
Bối cảnh phim dựa trên cuộc biến động náo loạn Thăng Long năm 1210 đến thời kỳ gia đình Trần Lý (gồm hai con Trần Thừa, Trần Tự Khánh và cháu ruột là Trần Thủ Ðộ) cùng Tô Trung Từ phò thái tử Sảm chiếm lại Thăng Long và lên ngôi, trở thành vua Lý Huệ Tông. Câu chuyện phim xoay quanh mối quan hệ giữa Lý Huệ Tông – Trần Thị Dung - Trần Thủ Độ, cùng những thăng trầm của hai triều đại Lý – Trần.
Đạo diễn Đặng Tất Bình, chỉ đạo sản xuất bộ phim cho biết: “Chúng tôi mất tới ba năm để chuẩn bị cho bộ phim. Một số cảnh quay đầu, đoàn làm phim đã thực hiện tại Hoành Điếm, từ đó tích lũy kinh nghiệm và trên cơ sở những gì học hỏi được, chúng tôi đã cải tạo bối cảnh ở Việt Nam và hoàn toàn quay phần sau ở Việt Nam. Chúng tôi cũng đã tranh thủ tìm đến sự giúp đỡ của các bạn đồng nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các bạn đồng nghiệp Trung Quốc.
Không như “Huyền sử thiên đô”, “Thái sư Trần Thủ Độ” lận đận từ những ngày bấm máy, với không ít sự cố, trục trặc, trong đó có phản ứng của dư luận khi đoàn làm phim quay cảnh hậu cung trong khu vực Tử Cấm Thành ở Huế. Việc “biến mất tăm” của bộ phim sau khi hoàn thành đã khiến công chúng và báo giới không khỏi thắc mắc, nhất là khi “Thái sư Trần Thủ Độ” được làm với mục đích phát sóng trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.
Năm 2012, phim được đưa đi dự giải Cánh diều vàng 2011 nhưng bị loại, bởi vì chưa có quyết định phê duyệt. Năm 2013, một lần nữa “Thái sư Trần Thủ Độ” trở lại với giải Cánh diều vàng 2012 và bất ngờ “lên ngôi” khi chưa chính thức chiếu tại bất kỳ đâu. Phim giành ba giải: giải Phim truyền hình xuất sắc nhất, Biên kịch xuất sắc nhất cho tác giả Nguyễn Mạnh Tuấn và Đạo diễn xuất sắc nhất cho đạo diễn Đào Duy Phúc.
Sau khi thành công rực rỡ tại giải Cánh diều vàng, bộ phim được UBND TP Hà Nội tặng lại cho Đài truyền hình Việt Nam, bởi vì theo nhận xét của Ban Tuyên giáo Thành ủy, đây là phim lịch sử có chất lượng tốt, do đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách cho nên thành phố quyết định không đưa phim vào mục đích kinh doanh. Tuy nhiên vào thời điểm đó (đầu năm 2013), phim chưa thể đến với khán giả bởi vì còn phải phụ thuộc vào lịch phát sóng của Đài truyền hình.
Cuối cùng, ngày 30-9, VTV công bố sẽ phát sóng phim truyền hình “Thái sư Trần Thủ Độ” trên kênh VTV1, vào các tối từ thứ hai đến thứ tư hằng tuần, trong khung giờ vàng 20h35, bắt đầu từ ngày 21-10.
Ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng Ban Thư ký biên tập Đài THVN cho biết: “Sau khi tiếp nhận bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ từ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam đã điều chỉnh lịch phim truyện và quyết định phát sóng bộ phim vào 20h35 trên VTV1 ngay trong tháng 10. Hy vọng bộ phim sẽ nhận được sự quan tâm theo dõi và động viên của đông đảo khán giả”.
Đạo diễn Đào Duy Phúc, một trong số những người nhận được nhiều câu hỏi nhất về số phận của bộ phim đã chia sẻ” Thực sự, là những người làm phim, chúng tôi luôn mong muốn tác phẩm của mình đến được với khán giả. Tuy nhiên trong suốt mấy năm vừa rồi, ngay cả anh em trong đoàn làm phim cũng hỏi tôi là tại sao phim chưa được lên sóng. Việc phim đến được với khán giả khích lệ tinh thần của anh em trong đoàn làm phim rất nhiều, và chúng tôi hồi hộp mong chờ phản hồi của khán giả”.
Một cảnh phim được thực hiện tại trường quay Cổ Loa.
Vua Lý Huệ Tông và Thái sư Trần Thủ Độ.
Đạo diễn Đào Duy Phúc và các diễn viên.