Thái Nguyên quan tâm chăm lo đội ngũ công nhân

Thái Nguyên có đội ngũ công nhân hơn 100 nghìn người, trong đó có khoảng 40% đến từ nhiều địa phương khác. Thời gian qua, tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp có nhiều giải pháp tăng số lượng, nâng cao trình độ tay nghề, ý thức chính trị đối với công nhân. Tuy nhiên, địa phương cần đẩy mạnh công tác phát triển Đảng trong doanh nghiệp, giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên thăm hỏi, tặng quà công nhân khó khăn.
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên thăm hỏi, tặng quà công nhân khó khăn.

Sau dịch Covid-19, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu phục hồi, phát triển, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, nhất là doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu cơ cấu lại sản xuất, tuyển dụng nhiều công nhân.

Là doanh nghiệp chuyên may mặc xuất khẩu lớn nhất tỉnh, với hơn 18 nghìn công nhân, chất lượng sản phẩm được khẳng định, thời gian qua, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Công ty TNG) có điều kiện lựa chọn những đơn hàng giá tốt và đã ký các hợp đồng xuất khẩu đến cuối năm 2024 với số lượng tăng gần 10% so với năm 2023, cho nên công ty không ngừng mở rộng sản xuất, tuyển dụng công nhân.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNG Nguyễn Văn Thời cho biết: “Tháng 7/2023, chúng tôi chuyển Nhà máy may TNG Việt Thái đến Cụm Công nghiệp Sơn Cẩm để có mặt bằng rộng hơn, nâng từ 16 dây chuyền may, với hơn 700 công nhân lên 22 dây chuyền với hơn 1.000 công nhân, mức lương bình quân đạt 9,5 triệu đồng/người/tháng”.

Từ nay đến cuối năm, Công ty TNG sẽ tăng thêm 10 dây chuyền may tại Nhà máy may TNG Việt Thái, đồng thời sắp xếp lại mặt bằng tại tất cả 18 nhà máy trực thuộc để lắp đặt thêm dây chuyền may, nhằm tăng năng lực sản xuất và tuyển dụng thêm 2.000 công nhân.

Để thu hút và phát triển đội ngũ công nhân, hằng năm, Công ty TNG tăng lương bình quân 5-7%, thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm, khám bệnh định kỳ, tổ chức bữa ăn ca đủ dinh dưỡng, ô-tô đưa đón công nhân ở xa nhà máy từ 10 km trở lên; khi tuyển dụng, công nhân được hỗ trợ tiền khám sức khỏe, được đào tạo thành thạo nghề trong ba tháng và hỗ trợ 200.000 đồng/người/ngày.

Đến nay tỉnh Thái Nguyên có hơn 219 dự án FDI, tổng số vốn đầu tư 11,25 tỷ USD cho nên thu hút lượng công nhân làm việc rất lớn, với ý thức của doanh nghiệp, phát huy vai trò của tổ chức công đoàn và chính quyền địa phương, quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân được bảo đảm.

Tổ hợp Samsung Thái Nguyên xây dựng ký túc xá cho công nhân, số ở xa có ô-tô đưa đón hằng ngày, thỏa thuận khi tăng ca, làm thêm giờ. Các doanh nghiệp FDI tổ chức bữa ăn ca ít nhất là 20.000 đồng đến 45.000 đồng/suất, thực hiện các chế độ lương, thưởng, bảo hiểm, phúc lợi, an toàn lao động.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên Phạm Việt Dũng, quyền và lợi ích công nhân được bảo đảm cho nên nhiều năm nay không có hiện tượng đình công, lãn công.

Hằng năm, tổ chức công đoàn các cấp tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho công nhân như: Thành lập và củng cố tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp; ký kết thỏa ước lao động một cách thực chất để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân; tổ chức các chuyến xe đưa công nhân ở các tỉnh về quê đón Tết và trở lại làm việc; tổ chức các phiên chợ không đồng, trao quà, nhà mái ấm công đoàn tặng công nhân có hoàn cảnh khó khăn để không ai bị bỏ lại phía sau; xây dựng Trung tâm Văn hóa-Thể thao công nhân tại thành phố Sông Công để người lao động có chỗ vui chơi, giải trí.

Định kỳ hằng năm và đột xuất, lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thái Nguyên tổ chức đối thoại với công nhân, công đoàn để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, phát huy tầm quan trọng của công nhân.

Sau các buổi đối thoại, hoạt động đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, dạy ngoại ngữ, khám bệnh vào ngày thứ bảy, chủ nhật; nhà ở, thiết chế văn hóa-thể thao; thành lập tổ chức đảng tại doanh nghiệp được tỉnh ghi nhận, từng bước giải quyết.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, đánh giá: “Đối thoại với công nhân được tổ chức thường xuyên, thể hiện cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Nguyên có tinh thần trách nhiệm, dân chủ, gần gũi, thấu hiểu, coi trọng vai trò của công nhân, người lao động đối với sự phát triển của địa phương”.

Những năm gần đây, các cấp ủy đảng và tổ chức công đoàn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên coi trọng phát triển đảng viên là công nhân, thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhằm tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức chính trị, kỷ luật lao động, nâng cao tay nghề cho công nhân và góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đảng bộ Công ty TNG có các chi bộ, đảng bộ trực thuộc tại tất cả 18 nhà máy, gần 500 đảng viên giữ vai trò tiền phong, gương mẫu, đứng đầu các đơn vị, tổ, đội sản xuất, đi đầu thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không chỉ là tấm gương mà còn trực tiếp vận động, hỗ trợ công nhân tuân thủ kỷ luật lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đóng góp lớn vào sự phát triển của doanh nghiệp.

Đảng ủy Công ty TNG ban hành nghị quyết chuyên đề, trong đó xác định lãnh đạo từ trưởng dây chuyền, tổ, đội sản xuất trở lên phải là đảng viên. Tương tự như nêu trên, khi Đảng bộ Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hoàng Hải được thành lập, công tác tư tưởng, củng cố tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên có nhiều chuyển biến, góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động, đồng thời năng suất lao động được nâng lên, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Nguyên Lê Quang Trung cho biết: “Cùng với phát triển về số lượng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân, chúng tôi chủ trương phát triển đảng viên trong công nhân, thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp để làm nòng cốt tuyên truyền, giáo dục chủ trương, đường lối, tư tưởng của Đảng, nâng cao nhận thức và ý thức chính trị đối với công nhân. Giải pháp cho vấn đề nêu trên là phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong phát triển đảng viên là công nhân; rà soát doanh nghiệp có từ ba đảng viên trở lên thì thành lập chi bộ để từ đó đẩy mạnh phát triển Đảng trong doanh nghiệp”.

Triển khai giải pháp này, từ năm 2015 đến 2023, các cấp ủy đảng trong tỉnh đã kết nạp được hơn 2.700 đảng viên tại doanh nghiệp; tổ chức đảng tại doanh nghiệp được thành lập tăng 1,6 lần, với hơn 100 chi bộ.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp công đoàn trong tỉnh đã quan tâm bồi dưỡng, giới thiệu cho các cấp ủy đảng hơn 1.760 đoàn viên học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng; trong đó có bốn lớp được mở riêng cho công nhân và đã kết nạp 469 đảng viên, trong đó có gần 200 đồng chí là công nhân trực tiếp, số còn lại chủ yếu là cán bộ công đoàn, đoàn thanh niên trong các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc phát triển đảng viên và thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do chủ doanh nghiệp FDI chưa nhận thức hết vai trò, vị trí của đảng viên và tổ chức đảng trong doanh nghiệp.

Nhà ở cho công nhân trên địa bàn còn khó khăn, mặc dù tỉnh quy hoạch nhiều khu đất để thu hút đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhưng rất ít dự án được triển khai, hàng chục nghìn công nhân đang phải thuê nhà trọ.

Tỉnh Thái Nguyên đang trên đà phát triển trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại ở vùng trung du miền núi Bắc Bộ, hàng loạt khu công nghiệp và cụm công nghiệp đang được triển khai, cho nên lực lượng công nhân sẽ tăng mạnh thời gian tới.

Để chăm lo phát triển đội ngũ công nhân vừa “hồng” vừa “chuyên” và có cuộc sống ngày càng tốt hơn, các cấp ủy đảng cần thuyết phục chủ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI tăng cường nhận thức về việc phát triển đảng viên, thành lập chi bộ trong doanh nghiệp là để vận động, giáo dục công nhân nâng cao vai trò, trình độ, ý thức, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, kỹ năng nghề nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Tỉnh cần có giải pháp đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội với giá tốt để công nhân có nơi ở ổn định, yên tâm đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp và của tỉnh.