Thái Nguyên nỗ lực thu hút vốn FDI

NDO -

Mặc dù không có những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có giá trị hàng tỷ USD như những năm trước, nhưng từ khi dịch Covid-19 xuất hiện (đầu năm 2020), nhất là từ năm 2021 đến nay, Thái Nguyên vẫn là địa phương hút vốn FDI với những dự án hàng trăm triệu USD, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Thái Nguyên đạt 21,3 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ.
9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Thái Nguyên đạt 21,3 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ.

Bên cạnh việc phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, phát huy lợi thế trong vùng Thủ đô Hà Nội, giao thông thuận lợi, trung tâm giáo dục và y tế ở các tỉnh miền núi phía bắc, thời gian vừa qua tỉnh Thái Nguyên triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút vốn đầu tư, trong đó có FDI.

Năm 2020, so với 63 tỉnh, thành phố, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thái Nguyên xếp thứ 11 (tăng 1 bậc); chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 12 (tăng 2 bậc), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS) đạt 87,6%; đặc biệt là chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 3 (tăng 36 bậc). Sang năm 2021, tỉnh tiếp tục cải thiện các chỉ số này trong điều kiện đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Với sự đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất của cấp ủy, chính quyền và lãnh đạo tỉnh, thời gian gần đây nhiều nhà máy có công nghệ hiện đại được đầu tư từ vốn FDI đi vào hoạt động, góp phần sản xuất hàng hóa, tăng thu ngân sách, giải quyết nhiều việc làm.

Điển hình, sau 8 tháng xây dựng, ngày 30/9 vừa qua, Công ty TNHH Sunny Opotech Việt Nam thuộc Tập đoàn Sunny (Trung Quốc) tổ chức lễ khánh thành và đưa Nhà máy sản xuất, gia công, lắp ráp module camera tại Khu công nghiệp (KCN) Yên Bình có vốn đầu tư 73 triệu USD vào hoạt động, đến cuối năm nay sẽ tuyển dụng gần 1.000 lao động. Dự kiến, tới đây Tập đoàn Sunny sẽ đầu tư thêm 260 triệu USD để triển xây dựng nhà máy thứ 2 tại Thái Nguyên.

Tương tự như vậy, gần đây Công ty Dongwha Enterprise Co (Hàn Quốc) đã đưa Nhà máy MDF Dongwha Việt Nam tại KCN Sông Công II, vốn đầu tư 163 triệu UDS đi vào hoạt động, mỗi năm sản xuất 300 nghìn m3 gỗ MDF và 37 triệu m2 sàn gỗ công nghiệp. Nhà máy này có ý nghĩa lan tỏa rất lớn, không những nộp ngân sách cho tỉnh Thái Nguyên mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, mà còn thu mua gỗ rừng trồng và giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động ở các tỉnh trong khu vực. Hiện nay, Công ty Dongwha Enterprise Co đang làm các thủ tục để tăng vốn đầu tư thêm 336 triệu USD để mở rộng sản xuất của Nhà máy MDF Dongwha Việt Nam tại KCN Sông Công II.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên Nguyễn Linh cho biết: “Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng năm 2020 tỉnh Thái Nguyên vẫn thu hút 20 dự án FDI với tổng số vốn gần 366 triệu USD, gần tương đương so với năm 2019. Nhờ phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả và cải thiện môi trường đầu tư, từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh cấp mới và điều chỉnh tăng vốn 24 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư gần 151 triệu USD, nâng tổng số trên địa bàn có 169 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 8,7 tỷ USD”.

Kiểm soát tốt dịch Covid-19 từ đầu năm 2020, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa nên đến nay Thái Nguyên cơ bản thành công trong việc thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

9 tháng đầu năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn ước đạt gần 610 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp khu vực FDI đạt 562,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 21,3 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ, bằng 76% kế hoạch cả năm mà tỉnh đề ra, trong đó khu vực FDI xuất khẩu 20,86 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 11.600 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ.

Ủy viên dự khuyết T.Ư, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng chia sẻ: Chúng tôi vừa thông qua chủ trương đầu tư dự án giao thông có quy mô rất lớn để liên hết các tỉnh Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc; hàng loạt dự án phát triển hạ tầng giao thông nội tỉnh đã và chuẩn nâng chuẩn bị nâng cấp, đầu tư xây dựng mới; đẩy mạnh chuyển đổi số; xây dựng một số khu, cụm công nghiệp; cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tạo các điều kiện cần thiết để chủ động thu hút vốn FDI nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế”.

Hiện nay, tỉnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn II với diện tích 300 ha, Khu Công nghệ thông tin tập trung Yên Bình với diện tích 200 ha; Khu B Khu công nghiệp Điền Thụy 170 ha; quy hoạch Khu công nghiệp - đô thị - du lịch Phú Bình với diện tích gần 1.000 ha. Đồng thời, tỉnh sẽ thu hồi các dự án chậm triển khai, không còn khả năng đầu tư tại một số khu, cụm công nghiệp thu hút nhà đầu tư mới.