Thái Lan lo ngại tình trạng bất bình đẳng gia tăng

NDO - Bộ Thương mại Thái Lan vừa bày tỏ lo ngại về sự gia tăng của tình trạng bất bình đẳng kinh tế ở nước này, kêu gọi các cơ quan chính phủ và tư nhân cần hợp tác để giảm bớt tình trạng này và bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội Thái Lan bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Một xã hội đang già hóa cũng góp phần làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng. (Ảnh: Reuters)
Một xã hội đang già hóa cũng góp phần làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng. (Ảnh: Reuters)

Văn phòng Chiến lược và Chính sách Thương mại (TPSO) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan vừa công bố kết quả một cuộc khảo sát cho thấy, tình trạng bất bình đẳng trong nền kinh tế Thái Lan đang có sự gia tăng, với tỷ lệ người nghèo ở nước này đang chiếm từ 6-8% tổng dân số, đặc biệt là trong khu vực nông nghiệp.

Cơ quan này cho rằng, sự gia tăng này có nguyên nhân do một số yếu tố như sự chuyển đổi sang nền kinh tế số, xã hội già hóa, tốc độ hồi phục của nền kinh tế hậu đại dịch Covid-19 và biến đổi về khí hậu.

Tờ Bưu điện Bangkok dẫn lời Giám đốc TPSO Poonpong Naiyanapakorn cho biết, bất chấp sự tăng trưởng liên tục của nền kinh tế, với tổng mức GPD tăng từ 7,7 nghìn tỷ bạt năm 2008 lên 10,2 nghìn tỷ bạt năm 2021, sự bất bình đẳng về kinh tế vẫn tồn tại và đang trở thành một một lo ngại lớn ở Thái Lan.

Ông cho rằng, các cơ quan chính phủ và tư nhân cần hợp tác để giảm bớt tình trạng này và bảo đảm phát triển kinh tế xã hội Thái Lan bền vững, phù hợp các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Trong 3 thập niên qua, tỷ lệ người nghèo ở Thái Lan đã giảm từ 65% tổng dân số năm 1998 xuống chỉ còn 6,3% trong năm 2021.

Tuy nhiên, nếu chỉ tính trong 10 năm qua (2011-2021), rõ ràng là tỷ lệ người nghèo ở Thái Lan không giảm đi mà còn duy trì ở mức từ 6-8%, đặc biệt là khu vực nông nghiệp. Hơn 11% hộ gia đình ở Thái Lan với thu nhập chính từ nông nghiệp vẫn ở dưới mức nghèo khổ, tức mỗi tháng chỉ kiếm được khoảng 2.802 bạt/người.

TPSO đã phân tích các yếu tố gây ra sự bất bình đẳng ở Thái Lan và thấy rằng tình trạng này có nguồn gốc cả từ các nguồn bên trong và bên ngoài. Sự chuyển đổi theo hướng kinh tế số, sự mở rộng của nền kinh tế dựa trên các nền tảng, việc áp dụng các công nghệ thay thế người lao động và sự phát triển công nghệ xử lý dữ liệu quy mô lớn đã trở thành các động lực thay đổi hiệu quả và nhanh chóng đang diễn ra hiện nay.

Những thay đổi này đã mang lại cơ hội cho những người có khả năng tiếp cận và hưởng lợi từ công nghệ. Tuy nhiên, chúng cũng đặt ra những thách thức cho các nhóm dân số không được tiếp cận cũng như không có khả năng thích nghi đối với những thay đổi như vậy. Đây là một trong những yếu tố góp phần làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng kinh tế.

Hơn nữa, theo dự báo của Liên hợp quốc, từ năm 2019-2050, số người già từ 65 tuổi trở lên ở châu Á sẽ gia tăng với tốc độ cao nhất. Thái Lan sẽ đứng thứ 5 trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á, với tỷ lệ người cao tuổi chiếm khoảng 17,2% dân số.

Ủy ban Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan cũng đưa ra một bản báo cáo, theo đó năm 2021 quốc gia này có khoảng 13,8 triệu công dân cao tuổi, chiếm 20% tổng dân số. Đến năm 2040, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm tới 31,3%.

Sự gia tăng số người cao tuổi ở Thái Lan đồng nghĩa với việc lực lượng lao động giảm đi so các nhóm người cao tuổi và trẻ em, dẫn đến tỷ lệ phụ thuộc đối với dân số trong độ tuổi lao động sẽ tăng cao hơn.

Ông Poonpong nhận định, Thái Lan hiện đang trên đà phục hồi kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên, nền kinh tế nước này vẫn chưa đạt được sự phát triển ổn định do suy thoái xảy ra từ đại dịch.

Một số nhóm đã bị tác động dai dẳng và nghiêm trọng, thí dụ như các thương nhân nhỏ bị mất thu nhập do phải ngừng kinh doanh trong giai đoạn dịch, cũng như các nhóm lao động và người dễ bị tổn thương.

Ông Poonpong cho rằng, Chính phủ Thái Lan cần có sự hỗ trợ cho những nhóm này để tạo thuận lợi giúp họ hồi phục nhanh chóng và giảm tình trạng bất bình đẳng kinh tế về lâu dài.

Một số yếu tố khác như các sự kiện thời tiết cực đoan như lũ lụt và hạn hán do biến đổi khí hậu những góp phần gây ra hàng loạt các hậu quả tiêu cực. Điều đó có khả năng sẽ góp phần khiến tình trạng bất bình đẳng kinh tế ở Thái Lan trở nên trầm trọng hơn bởi một số lượng lớn dân nghèo và có hoàn cảnh khó khăn ở quốc gia này vẫn phải phụ thuộc vào nông nghiệp.

Ông Poonpong nói: “Trước những thách thức này, các cơ quan chính phủ, khối tư nhân và các tổ chức xã hội cần tự chuẩn bị để đối phó với những thay đổi”.