Theo báo cáo, giá trị tài sản mà các tỷ phú trên thế giới sở hữu trong năm 2021 chiếm 3,5% giá trị tài sản toàn cầu, cao hơn nhiều so mức 2% khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát hồi đầu năm 2020. Báo cáo nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng toàn cầu do dịch Covid-19 gây ra đã làm gia tăng bất bình đẳng giữa những người rất giàu và phần còn lại của thế giới. Các nền kinh tế giàu có đã sử dụng những gói hỗ trợ tài chính khổng lồ để kiềm chế sự gia tăng số người nghèo do dịch bệnh, trong khi nhiều nước khác không có được lợi ích này.
Mới đây, Forbes đã công bố danh sách các tỷ phú thế giới do tạp chí này bình chọn năm 2021, theo đó, số tỷ phú gồm 2.755 người nắm giữ tổng giá trị tài sản lên tới 13.100 tỷ USD, tăng mạnh so con số 8.000 tỷ USD ghi nhận năm ngoái. Forbes ghi nhận một nhóm 520.000 người trưởng thành giàu nhất (chỉ chiếm 0,01% dân số thế giới) năm 2021 sở hữu tới 11% tài sản toàn cầu, tăng so con số 10% năm ngoái.
Như vậy, đại dịch Covid-19 đã phơi bày sự chênh lệch giàu-nghèo ngày càng rõ ràng giữa các nước trên thế giới. Trước đó, hồi tháng 10, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho biết, đại dịch đã khiến thêm hơn 100 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực, làm thụt lùi nỗ lực chống đói nghèo thêm vài năm, đặc biệt đối với một số nước là cả một thập kỷ.
Theo ông Malpass, sự bất bình đẳng giữa các nhóm quốc gia đang gia tăng, bằng chứng là thu nhập bình quân đầu người ở các nước phát triển tăng gần 5% vào năm 2021, trong khi mức này ở các nước thu nhập thấp là 0,5%. Các nước đang phát triển phải đối mặt lạm phát tăng cao, cơ hội việc làm thấp, sự thiếu hụt trong các lĩnh vực thiết yếu như lương thực, điện, nước...
Bất bình đẳng thu nhập vốn tồn tại lâu nay, song đã trở nên trầm trọng hơn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ông David Malpass cho rằng, hơn lúc nào hết các nước nghèo cần được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ những nước giàu nhằm phần nào vượt qua tình cảnh khó khăn hiện nay.