Theo ông Thanakorn Wangboonkongchana, Phát ngôn viên của Chính phủ Thái Lan, việc theo đuổi các thỏa thuận song phương với các thị trường quen thuộc là điều cần thiết trong lúc này, bởi việc thu hút khách du lịch qua các chương trình như “Test&Go” hay “Sandbox” không thực sự hiệu quả như kỳ vọng.
Sự trở lại các khách du lịch Trung Quốc và Malaysia - những nhóm khách lớn nhất của Thái Lan trước đại dịch, được nước này coi là chìa khóa cho sự phục hồi bền vững. Trước đó, khách du lịch Trung Quốc và Malaysia chiếm hơn 1/3 trong tổng số 40 triệu lượt khách tới Thái Lan vào năm 2019, mang lại cho Thái Lan hơn 20 tỷ USD doanh thu từ du lịch.
Phát ngôn viên Chính phủ cho biết thêm, khách du lịch theo chương trình bong bóng du lịch có thể sẽ không phải thực hiện kiểm dịch và được cấp thị thực đặc biệt, kèm theo đó là sắp xếp chỗ ở. Việc đàm phán với các quốc gia trên cũng sẽ đề cập tới một hạn ngạch cho khách du lịch và xác định các khu vực cụ thể cho các hoạt động di chuyển của họ nhằm ngăn chặn sự bùng phát Covid-19.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, hãng hàng không Thai Airways thông báo đang tìm cách nối lại hầu hết các đường bay quốc tế của hãng vào cuối tháng 4. Trước đó, các hãng hàng không tại Thái Lan đã đình chỉ hầu hết các đường bay quốc tế do đại dịch Covid-19 và mới chỉ nối lại các chuyến bay quốc tế vào quý IV năm 2021.
Thai Airways là một trong những công ty Thái Lan bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19. Hãng hàng không này vốn đã phải chật vật để kiếm lợi nhuận ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, việc ngừng hoạt động trên toàn cầu dẫn đến việc công ty này phải xuất hiện thường xuyên trước tòa án phá sản và phải tái cơ cấu hoàn toàn. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính mới nhất của mình, Thai Airways đã công bố lợi nhuận ròng 51 tỷ baht trong 9 tháng đầu năm 2021, nhờ lợi nhuận từ việc tái cơ cấu nợ và bán tài sản, cổ phiếu.