Theo ông Anucha, lượng hàng hóa Thái Lan xuất khẩu sang các nước thành viên RCEP trong năm 2022 đã đạt giá trị 14,8 nghìn tỷ bạt (tương đương 140 tỷ USD), với các thị trường chính bao gồm Indonesia, Campuchia, Singapore và Hàn Quốc. Trong khi đó, Thái Lan nhập khẩu 5,7 nghìn tỷ bạt (tương đương 160 tỷ USD) giá trị hàng hóa từ RCEP, chủ yếu từ các nước Brunei, Australia và Myanmar.
Theo các thỏa thuận trong Hiệp định, thị trường ba nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản là nơi hàng xuất khẩu Thái Lan được hưởng lợi nhiều nhất, chủ yếu bao gồm các mặt hàng dầu nhờn, cá ngừ đóng hộp, sắn, sầu riêng, dầu cám gạo và cá thu chế biến. Thái Lan cũng đưa ra nhiều ưu đãi đối với một số mặt hàng như hàng dệt tổng hợp, ván ép, linh kiện động cơ, polyme ethylene và nho tươi/khô từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ông Anucha khẳng định, RCEP đã giúp các doanh nghiệp Thái Lan có thêm nhiều cơ hội xuất, nhập khẩu hàng hóa tới các nước thành viên khác trong khối và củng cố lợi thế cạnh tranh của sản phẩm Thái Lan trên các thị trường quốc tế.
Ông Anucha cho biết, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha rất vui mừng trước những lợi ích mà Thái Lan thu được khi tham gia RCEP. Ông Prayut kêu gọi tất cả các ban, ngành có liên quan theo sát những nội dung hiệp định mà Chính phủ Thái Lan đã thương thảo để từ đó đạt những kết quả thiết thực, tăng giá trị thương mại, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Thái Lan.
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là Hiệp định thương mại tự do giữa 10 nước ASEAN (bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore và Việt Nam) và 5 đối tác kinh tế ngoài ASEAN là Australia, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản và Trung Quốc, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. RCEP hiện là thỏa thuận thương mại tự do đa phương lớn nhất thế giới với thị trường khoảng 2,28 tỷ người, chiếm 29,4% dân số thế giới và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực này đạt 25.900 tỷ USD, chiếm 30,6% GDP thế giới.