Coi hiệp ước là một công cụ quan trọng để phục hồi và tăng trưởng kinh tế, ông Jurin cho rằng, thương mại tự do giữa các thành viên RCEP sẽ bắt đầu vào giữa năm tới, sau gần tám năm đàm phán.
Bộ trưởng Thương mại Thái Lan cho biết, các điều khoản của RCEP có thể ảnh hưởng đến một số doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp cần phải được hỗ trợ để đối phó với bất kỳ điều chỉnh nào.
Tin tưởng khi tham gia vào RCEP sẽ mang lại nhiều lợi ích cho đất nước, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan cho biết, Chính phủ sẽ đề xuất thông qua RCEP càng sớm càng tốt trong kỳ họp Quốc hội diễn ra từ tháng 11-2020 đến 2-2021.
Theo ông Jurin, Thái Lan có rất nhiều lợi ích khi tham gia vào RCEP bởi nước này có thể xuất khẩu bột sắn, cao su, cá và thực phẩm sang 14 quốc gia, đồng thời có những lợi ích về đầu tư và lĩnh vực dịch vụ. Thái Lan sẽ có thể cải thiện khi xếp hạng hiện tại (thứ 11) trong số các nước xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới.
“Khu vực tư nhân sẽ có sáu đến 12 tháng để điều chỉnh với hiệp định, trong đó có một loạt vấn đề mới, từ xúc tiến thương mại và bảo hộ đầu tư đến sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử. Cục Đàm phán Thương mại của Bộ Thương mại Thái Lan đang xem xét các biện pháp khắc phục nếu các ngành công nghiệp bị tác động tiêu cực”, ông Jurin cho biết thêm.
RCEP là hiệp định thương mại tự do được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN gồm: Brunei, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Singapore, Indonesia và Philippines; và sáu đối tác đối thoại của ASEAN: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Thỏa thuận có hiệu lực khi sáu quốc gia ASEAN và ba đối tác đối thoại phê chuẩn thỏa thuận. Tuy nhiên, Ấn Độ đã quyết định không tham gia RCEP vì những vấn đề chưa được giải quyết, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến thuế nông nghiệp.