Thái Lan đẩy mạnh phát triển hợp tác kinh tế xuyên biên giới

NDO - Chính phủ Thái Lan vừa thông qua bản kế hoạch phát triển hợp tác kinh tế xuyên biên giới trong giai đoạn 5 năm (2023-2027) nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác kinh tế với các quốc gia láng giềng trong trong Khuôn khổ hợp tác Mekong-Lan Thương.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Ratchada Thanadirek.
Phó Phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Ratchada Thanadirek.

Phó Phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Ratchada Thanadirek ngày 7/3 cho biết, bản dự thảo kế hoạch do Bộ Thương mại đề xuất bao gồm một số nhiệm vụ liên quan nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, công nghiệp, vận tải, hậu cần, kinh tế số… Kế hoạch sẽ được triển khai trong giai đoạn 5 năm, từ nay cho đến năm 2027.

Theo đó, Thái Lan sẽ thúc đẩy việc áp dụng mô hình kinh tế Sinh học - Tuần hoàn - Xanh trong các quá trình sản xuất, thiết lập thị trường nông sản Mekong-Lan Thương, chuẩn bị kế hoạch hợp tác sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo và quảng bá du lịch thông minh, thân thiện với môi trường.

Về thúc đẩy vận tải và thương mại, Thái Lan sẽ cải thiện hơn nữa hiệu quả của hệ thống hải quan biên giới và nâng cấp hạ tầng cơ sở để tạo thuận lợi cho thương mại và vận tải. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối cơ sở hạ tầng và xây dựng các mạng lưới hậu cần liên khu vực.

Chính phủ Thái Lan cũng sẽ tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong thương mại và thúc đẩy sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp quan trọng dựa trên sức mạnh kỹ thuật số. Ngoài ra, để thúc đẩy thương mại và đầu tư trong khu vực, Thái Lan cũng sẽ xây dựng Khu kinh tế đặc biệt Chiang Rai, tổ chức các cuộc hội nghị, triển lãm dưới thương hiệu Mekong-Lan Thương và phát triển một thành phố triển lãm quốc tế.

Một nhiệm vụ khác trong bản kế hoạch là tạo ra một môi trường thuận lợi và thiết lập một nền tảng hợp tác cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đồng thời tạo điều kiện cho sự dịch chuyển lao động trong khu vực và đẩy mạnh hợp tác giữa các trường đại học.

Cuối cùng, Thái Lan mong muốn tăng cường trao đổi với các nước về khoa học và công nghệ, nông nghiệp, thủy lợi cũng như việc sử dụng nguồn nước, trao đổi chuyên gia và các nghiên cứu ứng dụng.

Khuôn khổ hợp tác Mekong-Lan Thương được thiết lập tháng 11/2015 với 6 quốc gia thành viên bao gồm Trung Quốc, Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan. Các quốc gia này tham gia khuôn khổ với cam kết sẽ cùng thúc đẩy hợp tác trong một số lĩnh vực bao gồm kết nối, năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế xuyên biên giới, nguồn tài nguyên nước, nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo.