Thái Lan công bố chính sách “Ngoại giao kinh tế chủ động”

NDO - Ngày 21/11, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã công bố chính sách “Ngoại giao kinh tế chủ động” mới, theo đó thay đổi mô hình, khuôn khổ nhằm đưa chính sách đối ngoại sang một kỷ nguyên mới, góp phần thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch và sức mạnh mềm của Thái Lan ở nước ngoài.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin tại hội nghị. (Ảnh: Văn phòng Chính phủ Thái Lan)
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin tại hội nghị. (Ảnh: Văn phòng Chính phủ Thái Lan)

Phát biểu tại cuộc họp thường niên của các đại sứ, tổng lãnh sự, tùy viên thương mại và quan chức xúc tiến đầu tư được tổ chức tại Bộ Ngoại giao Thái Lan, ông Srettha đã công bố chính sách “Ngoại giao kinh tế chủ động” của mình, trong đó bao gồm các hoạt động ngoại giao cụ thể nhằm thúc đẩy nền kinh tế của Thái Lan và bảo vệ lợi ích người dân.

Thủ tướng Thái Lan kêu gọi “Nhóm Thái Lan”, bao gồm các đại sứ, nhà ngoại giao, các tùy viên thương mại và nông nghiệp cùng đại diện các cơ quan chính phủ, cùng hợp tác để đặt ra chiến lược và hướng đi cho kỷ nguyên mới của chính sách đối ngoại Thái Lan, đưa chính sách này trở thành hiện thực.

Trong bài phát biểu, ông Srettha đã chỉ ra sự cần thiết của việc bắt đầu triển khai một chính sách ngoại giao kinh tế chủ động, đồng thời kết hợp những kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp liên quan tới các vấn đề đối ngoại. Ông cho rằng cần phải cân nhắc sự phản hồi từ cả các doanh nghiệp lẫn người dân để công việc của các đại sứ không ngừng được cải tiến.

Thủ tướng Thái Lan kêu gọi các đại sứ và đại diện ngoại giao áp dụng cách tiếp cận lấy khách hàng làm trung tâm như Chính phủ đang hướng tới. Ông Srettha cũng đề xuất hai khuôn khổ để chính phủ đạt được mục tiêu này.

Khuôn khổ thứ nhất liên quan tới hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại do các tùy viên thương mại của Thái Lan và công việc của chính phủ trong việc thực hiện các chính sách cốt lõi, được đưa ra nhằm thúc đẩy nền kinh tế đất nước. Một vai trò quan trọng của Chính phủ là hỗ trợ việc cải thiện hơn nữa chỉ số thuận lợi trong kinh doanh của Thái Lan và đẩy nhanh các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do.

Trong khi đó, Nhóm Thái Lan sẽ có nhiệm vụ điều phối công việc giữa hai khối nhà nước và tư nhân để đạt được mục tiêu chung trong phát triển kinh tế. Ông Srettha kêu gọi Nhóm Thái Lan tận dụng chính sách ngoại giao kinh tế chủ động bằng cách cùng tạo ra một kế hoạch hành động toàn diện và kết hợp để xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào Thái Lan và đẩy mạnh đầu tư Thái Lan ra nước ngoài.

Khuôn khổ thứ hai mà ông Srettha đề xuất liên quan tới các công việc ở nước ngoài, với mục tiêu bảo vệ uy tín và phẩm giá của Hoàng gia, đất nước và con người Thái Lan.

Thủ tướng Thái Lan cũng cho rằng Nhóm Thái Lan phải coi trọng tính chuyên nghiệp và trách nhiệm, đồng thời nhấn mạnh các đoàn Thái Lan phải tạo dựng văn hóa làm việc tích cực với tư cách là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp tại các cơ quan đại diện ở nước ngoài.