Thái Lan chuẩn bị cho các quy định chặt chẽ hơn về AI

NDO - Các nhà hoạch định chính sách của Thái Lan lên kế hoạch xây dựng các quy tắc về trí tuệ nhân tạo (AI) để ngăn chặn các hành vi vi phạm đạo đức, đồng thời thúc đẩy phát triển công nghệ thông qua quản trị tốt hơn, với các hướng dẫn cụ thể. Trong khi đó, các chuyên gia pháp lý cũng kỳ vọng nhiều quốc gia, trong đó có Thái Lan, sẽ sớm phát triển khung pháp lý AI toàn diện.
0:00 / 0:00
0:00
Một sự kiện về Chiến lược AI quốc gia của Thái Lan. (Ảnh: AI Thailand Community)
Một sự kiện về Chiến lược AI quốc gia của Thái Lan. (Ảnh: AI Thailand Community)

Tổng Thư ký Ủy ban Xã hội và Kinh tế kỹ thuật số quốc gia của Thái Lan, ông Putchapong Nodthaisong cho biết, Ủy ban này đã xây dựng sẵn các hướng dẫn về đạo đức AI. Dự kiến, cuối tháng 5 này, tiểu ban thúc đẩy kinh tế kỹ thuật số sẽ được triệu tập để xem xét soạn thảo các quy định về AI nhằm tạo ra khuôn khổ xác định và xử phạt đối với những hành vi vi phạm đạo đức AI, giám sát các nhà phát triển AI và các nhà cung cấp dịch vụ AI.

Hội đồng Người tiêu dùng Thái Lan (TCC) cũng đang thúc đẩy các biện pháp hiện đại hóa Đạo luật Bảo vệ Người tiêu dùng năm 1979, để văn bản luật này phù hợp hơn với các xu hướng mới nổi trong công nghệ, đặc biệt là sự phát triển của AI.

Giám đốc điều hành của Cơ quan Phát triển giao dịch điện tử (ETDA) Chaichana Mitrpant cho biết, trong một nghiên cứu chung được tiến hành trong gần hai năm qua với Đại học Thammasat về các quy định về AI ở châu Âu và Brazil, ETDA nhận thấy rằng các khu vực này đã gặt hái thành công trong việc quản trị AI có rủi ro cao. Giám đốc điều hành của ETDA cho rằng, Thái Lan có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước về tác động của việc thực thi các quy định về AI.

ETDA đã thành lập phòng quản trị AI có nhiệm vụ đánh giá mức độ rủi ro, đưa ra khuyến nghị và giám sát việc sử dụng các dự án liên quan đến AI. Cơ quan này hiện cũng soạn thảo các hướng dẫn quản trị AI tổng quát cho các nhà phát triển AI.

ETDA cho rằng, cần xây dựng các tiêu chuẩn về hợp đồng giữa nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ AI. Hợp đồng phải đưa ra những chi tiết rõ ràng hơn về quan hệ pháp lý giữa nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng, nhằm ngăn chặn những vấn đề có thể phát sinh do không biết hoặc không hiểu hết về các hệ thống phức tạp của AI.

Bà Pattaraphan Paiboon, đối tác công nghệ của Baker & McKenzie, một trong những công ty luật quốc tế lớn nhất thế giới có trụ sở tại Chicago của Mỹ, bày tỏ quan điểm rằng luật hiện hành có thể không đủ để hỗ trợ hoặc điều chỉnh AI do tính độc đáo của loại công nghệ này, tuy nhiên có thể còn quá sớm để áp đặt các quy định AI toàn diện trong giai đoạn đầu triển khai AI cho các doanh nghiệp và dịch vụ của Thái Lan. Bà Pattaraphan cho rằng, Chính phủ Thái Lan cần có lộ trình phát triển AI cấp quốc gia và luật AI phải được ban hành trước năm 2027.

Cố vấn về sở hữu trí tuệ và công nghệ tại văn phòng Baker & McKenzie ở Bangkok, ông Dhiraphol Suwanprateep cho rằng trọng tâm của chính phủ chủ yếu là hỗ trợ, thúc đẩy việc sử dụng và phát triển AI và các doanh nghiệp AI. Ông Dhiraphol lưu ý thêm rằng nếu cần có bất kỳ quy định nào về AI, Thái Lan trước tiên có thể tập trung vào việc điều chỉnh AI có tính sáng tạo, giống như các biện pháp tạm thời của Trung Quốc để quản lý các dịch vụ AI có tính sáng tạo, thay vì ban hành luật AI toàn diện.