Theo Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh Thái Bình, đến hết năm 2023, có 333 dự án đầu tư vào các Khu công nghiệp với số vốn đầu tư đăng ký đạt 187.631 tỷ đồng; trong đó có 83 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 4,3 tỷ USD. Đặc biệt trong giai đoạn 2018-2023, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới đạt 114.738 tỷ đồng, trong đó riêng vốn FDI đạt 3,8 tỷ USD.
Suất vốn đầu tư đăng ký bình quân/dự án đạt 688 tỷ đồng; trong đó vốn bình quân doanh nghiệp trong nước 450 tỷ đồng/dự án; vốn đầu tư đăng ký doanh nghiệp FDI 52 triệu USD/dự án.
Một loạt các dự án FDI được triển khai tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái (tỉnh Thái Bình) đều được đầu tư hiện đại, sử dụng ít năng lượng. |
Sau 20 năm, số dự án đầu tư vào Khu kinh tế, Khu công nghiệp tăng gấp 13 lần so với 2003. Vốn đầu tư đăng ký gấp 388 lần vốn đăng ký năm 2003; số dự án FDI tăng mạnh từ 1 dự án năm 2003 và đến nay đã có 83 dự án.
Qua theo dõi, ngày càng có nhiều nhà đầu tư đến từ nhiều nước, vùng lãnh thổ quan tâm và đến đầu tư tại Khu kinh tế, các Khu công nghiệp của tỉnh. Quy mô đầu tư, chất lượng dự án FDI trong Khu kinh tế, các khu công nghiệp cao hơn nhiều so với dự án ngoài Khu kinh tế, các Khu công nghiệp.
Phấn đấu đưa Thái Bình thành tỉnh công nghiệp mới trong khu vực đồng bằng sông Hồng
Thời gian gần đây, các nhà đầu tư đang hình thành xu hướng chuyển mạnh từ đầu tư chiều rộng sang chiều sâu, cơ bản hình thành được các hệ sinh thái đối với một số lĩnh vực: điện, điện tử, ô-tô, cơ khí chế tạo.
Nhà máy Ohsung Vina (Hàn Quốc) hoạt động từ tháng 8/2022 tại huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) có tổng vốn đầu tư hơn 40 triệu USD, chuyên sản xuất linh kiện động cơ dùng cho quạt gió của các thiết bị điện tử, đồ gia dụng, điện lạnh. |
Cụ thể, có 5 dự án đến từ Nhật Bản; 11 dự án đến từ Hàn Quốc; 4 dự án đến từ Singapore; 8 dự án đến từ Trung Quốc; 32 dự án đến từ Đài Loan (Trung Quốc); 7 dự án đến từ Hồng Kông (Trung Quốc) và 16 dự án đến từ quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Thời gian tới, tỉnh Thái Bình đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án mới có quy mô lớn, giá trị công nghệ cao, nhằm từng bước thay đổi mục tiêu từ thu hút các dự án đầu tư lắp ráp, gia công, sử dụng nhiều lao động,… đến thu hút các dự án đầu tư có giá trị gia tăng cao, đóng góp nhiều vào nguồn thu thuế, được định hướng, hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp trong nước; bảo đảm môi trường và an sinh xã hội tại địa phương.