Chuyển biến ở khu vực FDI
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 10 xuất khẩu (kể cả dầu thô) của khu vực đầu tư nước ngoài FDI ước đạt 213,94 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ, chiếm 73,5% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt 212,51 tỷ USD, giảm 8,1%, chiếm 73% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Xuất khẩu của khu vực FDI tuy vẫn giảm, song mức xuất siêu ngày càng tăng. Lượng xuất siêu của khu vực FDI bù đắp phần nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước. Với mức xuất siêu 41,6 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 40,17 tỷ USD không kể dầu thô, khu vực FDI đã bù đắp phần nhập siêu gần 18,46 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, là bệ đỡ giúp cả nước xuất siêu khoảng 21,1 tỷ USD. Đáng chú ý, các mặt hàng như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện... ngày càng chiếm tỷ lệ cao về giá trị trong giỏ hàng xuất khẩu của khu vực FDI (số liệu từ Tổng cục Hải quan). Nhiều chuyên gia khẳng định, điều này cho thấy những chuyển biến tích cực trong hoạt động xuất khẩu của khu vực này.
Amkor đầu tư 1,6 tỷ USD vào Bắc Ninh để sản xuất vật liệu bán dẫn. Nguồn: AMKOR |
Kỳ vọng từ những dự án công nghệ lớn
Mới đây, sự có mặt của Amkor tại Việt Nam với nhà máy mới được khánh thành có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD tại tỉnh Bắc Ninh đã mang tới kỳ vọng về động lực xuất khẩu mới cho địa phương này cũng như cả nước, khi dự kiến sẽ tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động. Theo ông SH Kim, Tổng Giám đốc Amkor Việt Nam, lễ khánh thành nhà máy là bước khởi đầu cho những chiến lược dài hơi của tập đoàn tại Việt Nam: “Chúng tôi cố gắng xây dựng hệ sinh thái các nhà cung cấp ở đây. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng trong thời kỳ đại dịch, những vấn đề địa chính trị căng thẳng, là những lý do chúng tôi đưa ra quyết định đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, những thuận lợi về cơ sở hạ tầng của Bắc Ninh như giao thông đến sân bay, hay đến Thủ đô Hà Nội và cơ sở hạ tầng điện và nước ổn định, cũng như khả năng tiếp cận với nguồn nhân lực là những căn cứ để chúng tôi đầu tư vào Việt Nam”.
Trong bối cảnh những lĩnh vực sản xuất truyền thống bị thu hẹp sản xuất do thiếu đơn hàng, những dự án công nghệ cao như nhà máy của Amkor mang đến cơ hội lớn cho các địa phương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, việc khánh thành và đi vào hoạt động sản xuất nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam là dấu mốc khởi đầu quan trọng để tỉnh Bắc Ninh chính thức xuất hiện trên bản đồ thế giới về sản xuất linh kiện bán dẫn. Theo ông Tuấn, đây là động lực mới trong phát triển công nghiệp công nghệ cao của tỉnh Bắc Ninh trong những năm tiếp theo, qua đó, tạo hiệu ứng, lan tỏa để thu hút các nhà đầu tư lớn trên thế giới.
Trước Amkor, sự có mặt của nhiều nhà sản xuất lớn trong đó có thể kể đến Samsung đã có đóng góp quan trọng vào xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2022, kết quả sản xuất, kinh doanh của Samsung cũng rất xuất sắc (xuất khẩu đạt 65 tỷ USD, chiếm 8,9% kim ngạch xuất khẩu Việt Nam), đóng góp quan trọng vào quá trình hồi phục và phát triển kinh tế của Việt Nam, với kỷ lục lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt mốc 700 tỷ USD, đạt 732,5 tỷ USD.
Trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, chỉ riêng tại Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, sự có mặt của Intel từ năm 2006 đã có đóng góp quan trọng vào hoạt động sản xuất và xuất khẩu công nghệ cao của thành phố. Với vai trò là một mắt xích quan trọng chiếm tới hơn 70% sản lượng đóng gói của hệ thống nhà máy đóng gói toàn cầu, nhà máy của Intel đóng góp không nhỏ vào sản lượng xuất khẩu công nghệ cao của khu công nghệ cao. Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh “Sản xuất công nghệ cao của khu công nghệ thành phố Hồ Chí Minh cũng như xuất khẩu chiếm hơn 50% tổng giá trị xuất khẩu của thành phố Hồ Chí Minh”.
Không chỉ những nhà đầu tư mới có hàm lượng công nghệ cao, sự chuyển biến trong chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư hiện hữu cũng theo hướng rất tích cực. Theo ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội, nhiều nhà đầu tư tên tuổi của Nhật Bản như Sony, Hitachi, Fujitsu... đã và đang có xu hướng chuyển thành những nhà cung cấp dịch vụ. Điều đó cũng có nghĩa là họ đóng góp giá trị gia tăng cao hơn cho sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.
Đánh giá về triển vọng dòng vốn FDI chất lượng cao vào Việt Nam, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện Việt Nam đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư đến từ châu Âu, Mỹ cũng như những ông lớn về công nghệ trong khu vực. Nhiều cam kết đang được hiện thực hóa. “Hiện nay đang có làn sóng đầu tư rất mạnh mẽ trong lĩnh vực điện tử, tin học, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo quy mô lớn với hàng hóa xuất khẩu đi châu Âu và Mỹ. Điều này mở ra những cơ hội lớn cho nước ta”, ông Hoàng nhận định.