Thách thức với mục tiêu khí hậu của EU

Cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng nghiêm trọng tại Liên minh châu Âu (EU) không chỉ gây ra những hệ lụy đối với sự ổn định kinh tế, xã hội tại các nước thành viên, mà còn đe dọa phủ bóng lên triển vọng hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu của khối. Giải tỏa cơn khát năng lượng đồng thời bảo đảm đi đúng hướng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là thách thức lớn đối với EU.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin (Đức). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ảnh minh họa: Đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin (Đức). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hôm nay 9/9, Hội đồng Năng lượng EU họp phiên bất thường trong bối cảnh nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga gián đoạn khi EU chuẩn bị bước vào mùa đông giá lạnh. Cuộc khủng hoảng năng lượng là bài toán khó, làm đau đầu các nhà lãnh đạo EU và cũng là tâm điểm trên bàn nghị sự của khối trong nhiều tháng qua, song vẫn chưa được giải quyết.

Giá khí đốt tự nhiên liên tiếp lập kỷ lục và nguồn cung gián đoạn khiến tình hình tiếp tục xấu đi, làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế, gây bất ổn xã hội tại EU. Thời gian qua, EU đã tăng cường nỗ lực để đa dạng hóa nguồn cung, giảm tiêu thụ, tăng tích trữ, song các biện pháp chưa mang lại kết quả như kỳ vọng.

Nguy cơ thiếu nhiên liệu để sưởi ấm và sản xuất khi mùa đông đang đến gần khiến chính phủ một số nước EU bất đắc dĩ phải quay lại sử dụng than đá-một trong những cách sản xuất năng lượng gây ô nhiễm nhất. Mới đây, Đức đã kích hoạt lại các nhà máy điện chạy bằng than để giảm bớt cơn khát năng lượng. Trong khi đó, Hà Lan dỡ bỏ tất cả hạn chế đối với các nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Áo cũng thông báo sẽ mở lại các cơ sở sản xuất điện từ than đá để bù đắp nguồn khí đốt bị thiếu.

Giải pháp nêu trên đã làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều. Hồi đầu năm 2022, Đức thông báo quyết định đóng cửa các nhà máy điện chạy bằng than đá vào năm 2030. Quốc gia đầu tàu EU cam kết tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 80% vào năm 2030 từ mức 40% hiện nay.

Vì vậy, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck mô tả việc Berlin quay trở lại với than đá là một “quyết định cay đắng”, song nhấn mạnh rằng ưu tiên cao nhất là các kho dự trữ khí đốt phải được lấp đầy trước mùa đông. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định, đây là biện pháp khẩn cấp trong ngắn hạn và không gây tổn hại các mục tiêu khí hậu của nước này.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc quay trở lại sản xuất năng lượng từ than đá có thể khiến EU bỏ lỡ các mục tiêu về khí hậu. Theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, EU đã đồng ý cắt giảm 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Việc tăng cường sử dụng than tại các nền kinh tế lớn đe dọa làm tổn hại những cam kết của EU về chống biến đổi khí hậu. Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry cho rằng, việc tăng cường sử dụng than ở châu Âu chỉ nên là giải pháp tạm thời.

Trong một phát biểu mới đây, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol kêu gọi các nước tránh gia tăng sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Theo ông Birol, nhiên liệu hóa thạch có thể cần thiết trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, các nước không nên viện cớ cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay để biện minh cho các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch. Trong khi đó, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cảnh báo, nguy cơ từ biến đổi khí hậu đáng lo ngại hơn cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu.

Theo ESA, các đợt nắng nóng liên tiếp, nhiệt độ tăng, cháy rừng, nước sông cạn dần trong những tháng qua đã phản ánh rõ thiệt hại mà biến đổi khí hậu gây ra cho thế giới nói chung và châu Âu nói riêng. ESA nhấn mạnh, nếu các nước không nhanh chóng hành động, thế giới sẽ gánh chịu thiệt hại lên đến hàng trăm nghìn tỷ USD trong thế kỷ này do biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen từng khẳng định, EU cần dùng chính cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay để tiến về phía trước, chứ không phải trở lại với nhiên liệu hóa thạch. Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay đặt ra nhiều thách thức, song cũng là cơ hội để EU tăng tốc trong quá trình chuyển đổi xanh.