Thách thức lớn với thương mại toàn cầu

Thương mại toàn cầu đang đối mặt nhiều thách thức lớn trong bối cảnh kinh tế khó khăn, xu hướng hạn chế thương mại giữa các nước gia tăng, trong khi vai trò của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có nguy cơ bị thu hẹp. Xây dựng một môi trường thương mại tự do, cởi mở, công bằng đã trở thành nhiệm vụ cấp bách được thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC vừa diễn ra ở Mỹ.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các Bộ trưởng Thương mại của các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở Detroit (Mỹ), đã không ra được tuyên bố chung sau hai ngày họp. Các Bộ trưởng Thương mại APEC đã tái khẳng định cam kết đối với một hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc, với Tổ chức Thương mại Thế giới là trung tâm.

Trong tuyên bố chủ tọa tóm tắt các cuộc thảo luận, Ðại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai nhấn mạnh rằng: "Chúng tôi tái khẳng định quyết tâm mang lại một môi trường đầu tư và thương mại tự do, cởi mở, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch, toàn diện và có thể dự đoán được".

Việc kiến tạo một môi trường thương mại tự do như trên đã trở thành nhiệm vụ cấp bách không chỉ với các nền kinh tế thành viên APEC, mà còn với tất cả các nước trên thế giới trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức lớn. Một vấn đề gai góc đặt ra gần đây là các "rào cản" thương mại đang tác động tiêu cực đến môi trường thương mại của thế giới.

Một báo cáo của WTO công bố mới đây cho biết, các quốc gia đang đưa ra các biện pháp hạn chế thương mại với tốc độ ngày càng nhanh, đặc biệt là đối với thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và phân bón. Trong số 78 biện pháp hạn chế đối với thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và phân bón được đưa ra kể từ cuối tháng 2/2022 có tới 57 biện pháp vẫn còn hiệu lực, tác động đến khoảng 56,6 tỷ USD thương mại và những con số này đã tăng lên kể từ giữa tháng 10/2022.

Bên cạnh đó, các vụ kiện thương mại cũng có xu hướng gia tăng. Ngay trong thời điểm diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC nói trên, WTO thông báo Argentina đã tiến hành thủ tục để khởi kiện Mỹ liên quan các loại ống được sử dụng trong sản xuất dầu mỏ. Argentina yêu cầu tham vấn việc Washington sử dụng các biện pháp chống bán phá giá với các loại ống có xuất xứ từ quốc gia Nam Mỹ này và đây là vụ khiếu kiện thứ ba của Argentina về vấn đề nêu trên.

Trong khi đó, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra từ giữa năm 2018 đến nay vẫn chưa có hồi kết và tiếp tục tác động tiêu cực đến môi trường thương mại thế giới. Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC nêu trên, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Ðào đã gặp Ðại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai.

Mặc dù Hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc cho biết, hai bên đã có những trao đổi thẳng thắn, thực tế và sâu sắc về quan hệ thương mại và kinh tế song phương, song giới phân tích vẫn quan ngại rằng hai cường quốc nói trên chưa thể sớm tìm được tiếng nói chung trong vấn đề thương mại.

Thông cáo của Văn phòng Ðại diện Thương mại Mỹ cho biết, tại cuộc gặp trên, bà Tai đã nhấn mạnh cần thiết phải giải quyết tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng đối với nền kinh tế và chính sách thương mại. Bà cũng nêu quan ngại về các hành động của Trung Quốc đối với các công ty Mỹ hoạt động ở đó.

Trong khi mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung lao dốc nghiêm trọng và các lệnh trừng phạt thương mại ngày càng gia tăng, vai trò của WTO đang ngày càng mờ nhạt. Cải cách WTO đã trở thành một vấn đề cấp bách được đặt ra tại các hội nghị của WTO, G20, APEC… trong mấy năm gần đây. Tuy nhiên, tiến trình cải cách WTO để tổ chức này có thể giữ vững vai trò "cầm cân nảy mực" dường như vẫn "giậm chân tại chỗ", dù có tiến triển vào giữa năm 2022. Trước những vấn đề nan giải như trên cùng với tình hình kinh tế thế giới khó khăn, tăng trưởng thương mại toàn cầu vẫn trì trệ.

Trong bản báo cáo tháng 4 vừa qua, các nhà kinh tế cho rằng tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ chỉ đạt 1,7% trong năm 2023.

WTO cũng nhận định bức tranh thương mại toàn cầu năm 2023 ảm đạm chủ yếu do lạm phát cao, cuộc xung đột tại Ukraine chưa hạ nhiệt, tình trạng chuỗi cung ứng mong manh tiếp diễn, việc Mỹ siết chặt chính sách tiền tệ đang ảnh hưởng đến các lĩnh vực như nhà ở, sản xuất ô-tô và đầu tư…