Thách thức cấp bách về bảo đảm an ninh lương thực

Bảo đảm an ninh lương thực là một trong những thách thức cấp bách nhất trong bối cảnh xung đột, hạn hán, gián đoạn chuỗi cung ứng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung và khiến giá cả leo thang. Ðây cũng là bài toán đang được các nước tập trung tìm lời giải, nhằm duy trì sự ổn định giá lương thực toàn cầu và tránh để xảy ra thảm kịch đói nghèo.

Một cánh đồng lúa mỳ tại Karpenkovo, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một cánh đồng lúa mỳ tại Karpenkovo, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hoạt động vận chuyển từ Nga và Ukraine, hai quốc gia cùng chiếm khoảng 25% lượng xuất khẩu lúa mì và 16% lượng xuất khẩu ngô toàn cầu giảm nghiêm trọng, khiến giá ngũ cốc tăng vọt trên thị trường thế giới. Các nhà điều hành doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp nhận định, người tiêu dùng trên khắp thế giới cảm nhận được tác động mạnh của cuộc khủng hoảng Ukraine do giá lương thực tăng cao và tình trạng gián đoạn đáng kể đối với các chuỗi cung ứng nông nghiệp.

Theo Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) của Liên hợp quốc, cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến giá lương thực leo thang, đặc biệt nghiêm trọng ở một số nước nghèo nhất thế giới, đe dọa gây ra thảm kịch đói nghèo. Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WFP) cũng cảnh báo, dòng người sơ tán và việc gián đoạn vụ gieo trồng mùa xuân ở Ukraine có nguy cơ đẩy nạn đói trên thế giới đến mức thảm khốc. Theo WEF, hiện có 44 triệu người ở 38 quốc gia đang trên bờ vực của nạn đói. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho rằng, có tới 30% diện tích cây trồng ở Ukraine không được thu hoạch hoặc bị bỏ hoang trong năm nay do xung đột.

Là một trong những khu vực chịu tác động mạnh từ tình trạng lạm phát và giá lương thực leo thang, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến phân bổ 500 triệu euro để hỗ trợ nông dân và cho phép họ trồng trọt trên đất hoang để kiểm soát đà tăng mạnh của giá lương thực cũng như khả năng thiếu hụt nguồn cung. Theo đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC), đối tượng được hỗ trợ là những người bị ảnh hưởng nặng nhất từ cuộc khủng hoảng Ukraine. EU cũng dự kiến cho phép nông dân được tạm thời trồng trọt trên gần 6% diện tích đất nông nghiệp vốn được dành để thúc đẩy đa dạng sinh học.

Ngoài ra, EU cũng sẽ hỗ trợ các nước thành viên tận dụng các khả năng để giảm sử dụng nhiên liệu sinh học trong lĩnh vực giao thông, qua đó giảm áp lực lên các nguồn cung ứng lương thực và thức ăn chăn nuôi. Ðáng chú ý, EU đề xuất một chương trình hỗ trợ khẩn cấp 300 triệu euro cho Ukraine để hỗ trợ nông dân nước này trồng ngô, hoa hướng dương và lúa mì. Ukraine hiện là nước xuất khẩu dầu hướng dương hàng đầu thế giới, chiếm hơn 50% kim ngạch toàn cầu, đồng thời là nước xuất khẩu lớn lúa mì, lúa mạch và ngô.

EU hiện nhập 50% lượng ngô từ Ukraine và 30% lượng phân bón từ Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo, việc các nước phương Tây cản trở hoạt động xuất khẩu phân bón của Nga sẽ khiến giá thực phẩm toàn cầu tăng cao hơn. Bộ Thương mại và Công nghiệp Nga đã yêu cầu các công ty phân bón trên cả nước tạm thời dừng xuất khẩu trong tháng 3 này. Giá phân bón tăng nhanh vượt khả năng chi trả của người nông dân có thể góp phần dẫn đến nguy cơ khủng hoảng thực phẩm toàn cầu.

Tại Mỹ, các nghị sĩ lưỡng đảng thuộc Thượng viện mới đây đã kêu gọi Mỹ tăng viện trợ lương thực khẩn cấp để ngăn chặn nguy cơ hàng chục triệu người chết đói, trong đó có hàng triệu trẻ em. Các nghị sĩ cũng tìm cách vận động Quốc hội Mỹ bổ sung hàng tỷ USD trong khuôn khổ các dự luật cứu trợ nhân đạo và hỗ trợ vì Covid-19...

Trong bối cảnh lo ngại gia tăng về lạm phát và giá lương thực, thực phẩm tăng cao, nhiều quốc gia, khu vực đã lên “kịch bản” để đối phó. Tuy nhiên, đây là bài toán khó, nhất là khi chuỗi cung ứng vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 lại bị “giáng thêm đòn mạnh” từ bất ổn và xung đột. Việc bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu vẫn là thách thức lớn.