Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, chúng tôi trở lại làng Át Thượng cùng người dân chia tay cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, Quân khu 2, sau hơn hai tháng cùng phối hợp với Tổng công ty 789 (Bộ Quốc phòng) xây dựng 35 căn nhà cho đồng bào vùng lũ.
Với quan niệm của người Tày "Được ăn không quên đũa, được ở không quên ơn", người dân làng Át Thượng chiều tối hôm trước đã mổ một con trâu làm cỗ cảm ơn bộ đội đã dồn sức giúp họ xây nhà mới, sớm ổn định cuộc sống sau thảm họa kinh hoàng.
Buổi chia tay thật bịn rịn, thắm tình quân dân, nhiều người thật sự xúc động. Trong túi quà dân làng gửi tặng các cán bộ, chiến sĩ có bánh chưng tày, bánh rợm được đồng bào gói từ đêm trước và quả cam sành hái từ vườn nhà.
Với quyết tâm cao, đơn vị quân đội tổ chức thi công theo phương pháp song song nhằm tiết kiệm thời gian, vừa thiết kế, vừa san gạt mặt bằng, vừa thi công. Các phần cứng được đúc sẵn để lắp ghép theo mẫu, giúp việc hoàn công vượt tiến độ.
Anh Nguyễn Thế Cương, Trưởng ban Điều hành dự án khu tái định cư làng Át Thượng, thuộc Tổng công ty 789 (Bộ Quốc phòng) cho biết, nhận nhiệm vụ thi công từ ngày 15/11, sau hơn hai tháng thi công, đơn vị đã san gạt hơn 200.000 m3 đất để tạo mặt bằng, sử dụng nhiều thiết bị công trình như: Xe ủi, máy xúc, xe lu, cần cẩu cỡ lớn để đẩy nhanh tiến độ. Các bộ phận tăng ca, kíp, làm xuyên đêm, kiểm soát chất lượng chặt chẽ, bảo đảm kỹ thuật và an toàn tuyệt đối... Đến ngày 21/1, đơn vị đã hoàn thành xây dựng 35 căn nhà sàn, với tổng kinh phí hơn 27 tỷ đồng từ ngân sách Bộ Quốc phòng và Quỹ Vì người nghèo. Trước mắt, có 7 hộ dân qua bốc thăm, bảo đảm công bằng, đã kịp về nhà mới trước Tết Nguyên đán. Các nếp nhà sàn kiểu người Tày, diện tích sàn 66 m2 (mỗi nhà có tổng diện tích 132 m2), được thiết kế vững chắc, quần tụ trên diện tích hơn 2,78 ha, cách điểm sạt lở khoảng 500m, được cung cấp đủ điện, nước, giao thông nội bộ... tạo diện mạo mới vùng nông thôn miền núi.
Khi bộ đội về xây khu tái định cư, người dân trong làng đã tích cực tham gia giải phóng mặt bằng, di dời các vật kiến trúc tâm linh, bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công. Bí thư Đảng ủy xã Minh Xuân Nguyễn Thị Mai Hương cho biết, trong thời gian xây dựng nhà khu tái định cư, người dân trong xã đã tự quyên góp, ủng hộ đơn vị quân đội 20 kg thịt, 300 quả trứng, 70 kg rau, 50 kg cam, quýt, 100 quả bưởi, 5 m3 củi đun... Đoàn xã đã tổ chức buổi liên hoan kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và chương trình văn nghệ chào Xuân 2025 với chủ đề "Xuân đoàn kết-Tết thắm tình quân dân" tại khu tái định cư Át Thượng.
Gặp chị Nguyễn Thị Huyền, sinh năm 1988, dân tộc Tày, có ba con nhỏ, nhà sàn nằm sát dưới chân núi Đán Khao bị sạt lở phải di dời khẩn cấp, hiện đang đi ở nhờ người thân, là diện được cấp nhà mới trong khu tái định cư. Chị Huyền cho biết, gia đình rất vui khi sắp được về nhà mới trước Tết, không còn lo sợ mỗi khi mưa bão, không còn sợ núi lở, đất sạt nữa.
Trong thiên tai, ông Hoàng Sơn Hải mất đi ba người thân gồm mẹ, vợ và con trai, nhà cửa bị vùi lấp hoàn toàn. Thuộc diện được cấp nhà mới tại khu tái định cư Át Thượng, tuy nhiên, ngày 18/12, ông Hải đã viết đơn gửi chính quyền địa phương về việc không nhận nhà tại đây và nhường lại suất tái định cư này cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Ông Hải tâm sự, nỗi đau gia đình phải gánh chịu là không thể nguôi ngoai, khi trong một đêm mất đi mẹ, vợ cùng con trai (thời điểm đó ông Hải đi coi gỗ ở đầu làng, con gái làm công nhân ở tỉnh Hưng Yên, cho nên mới thoát nạn). Trong khó khăn hoạn nạn, gia đình được lực lượng chức năng, người làng cùng các nhà hảo tâm trong cả nước giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Sau hơn ba tháng, gia đình đủ kinh phí mua đất, dựng được ngôi nhà mới.
Bí thư Huyện ủy Lục Yên Đinh Khắc Yên khẳng định, với sự quan tâm của Bộ Quốc phòng, và sự vào cuộc của các cấp, nhất là được sự chung tay giúp sức của đồng bào cả nước và sự đồng thuận của nhân dân, chỉ trong thời gian rất ngắn, việc xây dựng khu tái định cư gồm 35 căn nhà sàn đã hoàn thành, chuẩn bị bàn giao cho người dân. Phần hạ tầng (đường, điện lưới, cảnh quan...) thuộc dự án của tỉnh đầu tư, do mặt bằng chật hẹp sẽ được triển khai sau Tết. "An cư mới lạc nghiệp", các hộ dân bị mất nhà sau bão Yagi đã được hỗ trợ, có niềm vui vào nhà mới, làng Át Thượng đã thật sự hồi sinh sau bão số 3.