Do tầm vóc lớn lao và ý nghĩa quan trọng nhiều mặt của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, mỗi bộ tem không thể có nhiều mẫu, các họa sĩ phải nghiên cứu kỹ chắt lọc tư liệu để đưa được những hình ảnh đích đáng, tiêu biểu nhất lên tem.
Nội dung tem tập trung vào một số chủ đề: Sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ vĩ đại; Quân đội nhân dân anh hùng, mưu trí, dũng cảm; sức mạnh đoàn kết toàn dân "tất cả cho tiền tuyến", "tất cả để chiến thắng"; chiến thắng lẫy lừng của ta và thất bại thảm hại của địch; niềm vui chiến thắng của nhân dân và tinh thần xây dựng và bảo vệ Điện Biên Phủ sau chiến thắng...
Bộ tem đầu tiên, phát hành tháng 10-1954: "Trên nóc hầm De Castries" do cố họa sĩ Bùi Trang Chước thiết kế gồm bốn mẫu, chung hình vẽ, khác mầu, khác giá mặt. Hình ảnh tập trung là anh bộ đội quân phục giản dị, đầu đội mũ nan, tay cầm chắc súng, sẵn sàng cảnh giới, đứng hiên ngang trên nóc hầm De Castries, sau lưng anh lá cờ Chiến thắng tung bay lồng lộng, chung quanh trận địa còn bề bộn, ngổn ngang.
Bộ tem "Kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-1964)" của họa sĩ Trần Lương, bốn mẫu, một blốc, phát hành ngày 7-5-1964. Với các hình ảnh: bộ đội kéo pháo, bao vây cứ điểm Mường Thanh, phá bom nổ chậm, Điện Biên Phủ ngày nay, họa sĩ đã khắc họa được đôi nét tiêu biểu của chiến dịch lớn và khung cảnh tươi vui của Điện Biên Phủ sau 10 năm giải phóng.
Tháng 5-1974, bộ tem "Kỷ niệm 20 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-1974)", họa sĩ Huy Khánh chỉ dùng hai hình vẽ trên hai tem: mẫu một "Quyết chiến - quyết thắng" cũng là hình ảnh anh bộ đội trên nóc hầm De Castries, nhưng là hình ảnh anh bộ đội và lá cờ "Quyết chiến - quyết thắng" rực rỡ chiếm cả mặt tem, hầm De Castries tối om nằm bẹp dưới chân anh. Mẫu hai "Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên " là hình "Chiếc huy hiệu lịch sử" giản dị và tuyệt đẹp nổi bật trên nền tem mầu đỏ cờ. Chân tem là cảnh núi rừng Điện Biên thanh bình, êm ả.
Năm 1984, để làm bộ tem "Kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-1984)", họa sĩ quân đội Huy Toàn đã xem lại hàng trăm bức ký họa về chiến dịch Điện Biên Phủ của mình để chọn thiết kế bảy mẫu và một blốc tem khá ấn tượng và súc tích: Bộ Chính trị họp, dưới sự chủ tọa của Bác Hồ quyết định chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ; Bộ đội hành quân ra trận hùng dũng, tràn đầy khí thế; những đoàn dân công hỏa tuyến điệp trùng nô nức đổ ra tiền tuyến; Những đoàn quân kéo pháo vượt đèo, suối cheo leo; Bộ đội pháo bắn rơi máy bay địch; Những mũi xung kích đánh chiếm cứ điểm địch; Quân ta chiếm hầm De Castries , phất cao cờ Chiến thắng; Sơ đồ mặt trận Điện Biên với các mũi tiến công của quân ta khép chặt vòng vây tiêu diệt địch (blốc tem).
|
Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-1994) họa sĩ Trịnh Quốc Thụ thể hiện hai mẫu tem: "Kéo pháo vào trận địa" và "Quân dân mừng Chiến thắng" điểm xuyết "Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên" xinh xắn ở góc trái mỗi con tem.
Ngoài ra, các mẫu tem khác về "Chiến thắng Điện Biên Phủ" (trong các bộ ghép) có các mẫu cũng mang hình ảnh: "Bộ đội phất cao cờ Chiến thắng trên nóc hầm De Castries" (phát hành 3-2-1980, 5-5-1984 và 10-4-1987); hình ảnh Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, bịt hỏa lực địch khi ta đánh chiếm cứ điểm Him Lam, mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ (phát hành 2-9-1970).
Số lượng bộ, mẫu tem nói trên tuy các họa sĩ đã cố gắng nhiều song cũng thật còn khiêm tốn so với tầm vóc Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, một mốc son chói lọi của dân tộc Việt Nam.
Dù vậy, những bộ, mẫu tem này đã góp phần tuyên truyền khá sâu rộng, sinh động trong nước, ngoài nước về một Chiến thắng vĩ đại mà ba tiếng "Điện Biên Phủ" đã thành biểu tượng sức mạnh Việt Nam. Đồng thời người gửi thư, nhất là giới sưu tập, chơi tem coi đó là những bộ, mẫu tem đẹp, giàu ý nghĩa, có vị trí quan trọng trong bộ sưu tập tem về "Đấu tranh vũ trang bảo vệ Tổ quốc".
Hy vọng, trong dịp "Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2004)" ngành bưu điện sẽ phát hành bộ tem về chủ đề này hay hơn, đẹp hơn.