Tính chung cả năm 2023, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 22,9 nghìn tỷ đồng, vượt so với kế hoạch, ở mức 22 nghìn tỷ, đã được Đại hội Đồng cổ đông thông qua hồi tháng 4/2023. Ngân hàng dự kiến đề xuất mức chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt ít nhất 20%/ tổng lợi nhuận – tương đương 4-5% vốn chủ của Ngân hàng tại thời điểm đầu năm, ước tính khoảng 1.500 đồng/cổ phiếu cho năm 2024.
Trong năm 2023, tổng tài sản của Techcombank tăng 21,5% lên mức 849,5 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối năm. Tính riêng Ngân hàng, tín dụng tăng trưởng 19,2% so với đầu năm lên ngưỡng 530,1 nghìn tỷ, phù hợp với hạn mức tín dụng được cấp bởi Ngân hàng Nhà nước.
Tiền gửi của khách hàng đạt 454,7 nghìn tỷ đồng, tăng 26,9% so với đầu năm và 11,2% so với quý 3. Số dư CASA tăng trong 3 quý liên tiếp, đạt 181,5 nghìn tỷ, tăng 37,0% so với cùng kỳ và 31,9% so với quý 3, giúp tỷ lệ CASA cải thiện lên mức 39,9%.
Mức tăng trưởng cho thấy năng lực ngân hàng giao dịch hàng đầu của Techcombank, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng khối lượng giao dịch trên các kênh số (tăng 41% so với cùng kỳ lên 2,2 tỷ giao dịch, tương đương 13% thị phần giao dịch NAPAS) và lượng truy cập ứng dụng mỗi tháng dẫn đầu toàn cầu - hơn 50 lượt/ khách hàng active.
Mặt khác, tiền gửi có kỳ hạn (TD) đạt 273,2 nghìn tỷ đồng, tăng 20,9% so với đầu năm và tương đối ổn định theo quý, do lợi suất bắt đầu ít hấp dẫn hơn, khi so sánh với với tỷ suất đầu tư và tiềm năng của thị trường bất động sản, trái phiếu và thị trường chứng khoán.
Vị thế vốn của Tecchombank vẫn được duy trì mạnh mẽ, với tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) theo quy định là 77,4% vào ngày 31 tháng 12 năm 2023. Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở mức 26,4%, thấp hơn nhiều so với mức trần quy định mới 30%, có hiệu lực từ ngày 1/10/2023.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II của Ngân hàng đạt 14,4%, tiếp tục duy trì vị thế hàng đầu trong ngành ngân hàng và cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu 8,0%. Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2023 chỉ còn 1,19%, từ mức 1,40% vào cuối quý 3. Tỷ lệ nợ xấu của cả danh mục dư nợ cho vay và trái phiếu là 1,12%. Chi phí dự phòng của Techcombank tăng 102,5% so với cùng kỳ, phản ánh sự chủ động của Ngân hàng trong trích lập dự phòng, phù hợp diễn biến số dư nợ xấu theo dự kiến. Điều này góp phần đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 102% vào cuối năm. Chi phí tín dụng của Techcombank vẫn được kiểm soát tốt, chỉ ở mức 0,8%.
Đáng chú ý, Techcombank khép lại quý 4/ 2023 với hơn 13,4 triệu khách hàng, ghi nhận 2,6 triệu khách hàng mới trong cả năm 2023, nhiều hơn gấp đôi con số của năm 2022. Trong số đó, 46,8% gia nhập qua các kênh kỹ thuật số và 36,2% thông qua hệ sinh thái của các đối tác.
Kết quả chung, Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 4 đạt 5,8 nghìn tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế cả năm 2023, lợi nhuận trước thuế đạt 22,9 nghìn tỷ đồng, vượt so với kế hoạch đề ra ở mức 22 nghìn tỷ đã được Đại hội Đồng cổ đông thông qua hồi tháng 4/2023. Kết quả kinh doanh 2023 của Techcombank đã thể hiện khả năng nắm bắt tình hình và dự báo sát diễn biến thị trường, cùng năng lực triển khai đúng kế hoạch đề ra của nhà băng này.
Lợi nhuận ngân hàng 6 tháng cuối năm sẽ ra sao?
Tổng Giám đốc Techcombank Jens Lottner chia sẻ: Techcombank tăng tốc hiệu quả hoạt động trong quý cuối cùng của năm 2023 và vượt tất cả các chỉ tiêu theo kế hoạch đã đề ra.
“Tôi tin tưởng rằng chiến lược chuyển đổi và kết quả khả quan trong một năm 2023 khá thách thức một lần nữa khẳng định sức mạnh nội tại của Ngân hàng, đồng thời tạo bước đệm vững chắc cho tăng trưởng cao trong những năm tới. Qua đó cho phép Ngân hàng lên kế hoạch chiến lược cổ tức tiền mặt toàn diện, lâu dài cho cổ đông.” ông Jens Lottner khẳng định.