Lợi nhuận giảm không còn là dự báo
Theo báo cáo tài chính (BCTC) vừa công bố, trong quý II/2023 BacABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 139 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, nhờ quý I có kết quả tích cực nên lũy kế sáu tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của BacABank đạt 474 tỷ đồng, tăng 10%.
Tương tự, trải qua nửa chặng đường của năm, TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 3.400 tỷ đồng, thấp hơn so với mức 3.788 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, con số này cũng chưa đạt 50% kế hoạch so với mức lợi nhuận cả năm dự kiến của TPBank trong năm 2023 là 8.700 tỷ đồng.
Bức tranh tài chính của LPBank, lũy kế sáu tháng đầu năm nay ghi nhận nhiều mảng kinh doanh kém sắc. Cụ thể, thu nhập lãi thuần đạt 2.450 tỷ đồng, giảm 19,2% so với cùng kỳ năm trước; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 17,8% xuống còn hơn 249,3 tỷ đồng; lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm mạnh từ 52,3 tỷ xuống còn gần 19 tỷ đồng. Ngân hàng này ghi nhận lỗ gần 4,5 tỷ đồng từ mua bán chứng khoán đầu tư trong khi cùng kỳ báo lãi tới hơn 356,2 tỷ đồng.
Kết quả, LPBank báo lãi trước và sau thuế đạt 880 tỷ đồng và 708,2 tỷ đồng; đều giảm gần 51% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh mảng mầu xám về lợi nhuận, một số ngân hàng khác vẫn ghi nhận lợi nhuận tăng như: MSB công bố lãi trước thuế đạt 3.548 tỷ đồng, tăng 6%; PG Bank trích gần 87 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng trong nửa đầu năm, giảm 39%, do đó lợi nhuận trước thuế tăng 24% lên mức 303 tỷ đồng; Tính đến ngày 30/6, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 4.755 tỷ đồng, tăng 63,5% so cùng kỳ, đạt 50,1% kế hoạch đại hội đồng cổ đông giao…
Báo cáo tài chính của các ngân hàng trên mặc dù chưa đầy đủ để có góc nhìn toàn diện, tuy nhiên ở một số đơn vị có thông tin, lợi nhuận cao không còn là xu hướng chủ đạo.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, năm 2023 sẽ là năm khó khăn, thách thức hơn với nền kinh tế và ngành ngân hàng. Lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2023 dự báo sẽ tăng ở mức thấp hơn (khoảng 13-15%).
Theo ông Lực, nguyên nhân lợi nhuận ngân hàng tăng thấp là do tăng trưởng kinh tế thấp hơn dẫn tới nhu cầu tín dụng chậm lại, ảnh hưởng tới nguồn thu từ tín dụng; biên lãi ròng (NIM) của các tổ chức tín dụng chịu áp lực giảm do mặt bằng lãi suất cho vay và huy động có xu hướng giảm trong năm 2023; thu nhập từ dịch vụ và kinh doanh ngoại hối sẽ chậm lại do chính sách miễn phí chuyển tiền số, thanh toán số được duy trì và tỷ giá cơ bản ổn định hơn.
Nợ xấu ở nhiều ngân hàng tăng
Bên cạnh sự suy giảm về tăng trưởng lợi nhuận, nhiều ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng.
Đơn cử như tại TPBank, nợ xấu hết quý II/2023 tăng gần gấp ba lần so với đầu năm, lên 3.912 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng gấp hơn 5,5 lần lên 2.146 tỷ đồng; nợ nghi ngờ cũng tăng gần gấp 2,5 lần, lên gần 1.130 tỷ đồng.
Tương tự, BacAbank cũng ghi nhận nợ xấu tăng hơn 32%, lên mức xấp xỉ 679 tỷ đồng. Nợ dưới tiêu chuẩn tăng vọt gấp gần 3,2 lần sau sáu tháng; nợ nghi ngờ tăng 52% và nợ có khả năng mất vốn tăng gần 1,4% so với cuối năm 2022.
Nợ xấu của PGBank cũng tăng thêm gần 12,7% sau sáu tháng, đưa tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng này lên mức 2,77% tính đến giữa năm 2023.
Với khối ngân hàng thương mại nhà nước, đến thời điểm này chưa ngân hàng nào công bố báo cáo tài chính, song nợ xấu cũng được dự báo sẽ “xấu thêm”.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank, đến hết tháng 6/2023, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,85%. Con số này mặc dù ở mức thấp nhất hệ thống, song so với thời điểm cuối năm 2022 thì đã có sự nhích lên (cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của Vietcombank khoảng 0,68%).
Tại Agribank, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Ngân hàng cho biết, ngân hàng đã kéo giảm tỷ lệ nợ xấu từ 8,1% xuống chỉ còn 1,86% trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, những năm gần đây, tỷ lệ này đã tăng trở lại khi các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, quy mô sản xuất bị thu hẹp, tồn kho tăng cao, cạn kiệt nguồn thu, khó khăn trong trả nợ ngân hàng.
“Thực tế, tỷ lệ nợ xấu của Agribank thời điểm 30/6/2023 đã tăng lên đúng bằng thời điểm kết thúc cơ cấu lại giai đoạn 2016-2020 và áp lực gia tăng trong thời gian tới là rất lớn”, Chủ tịch Agribank cho biết.
Việc nợ xấu nhiều ngân hàng vẫn tăng mạnh trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho phép các ngân hàng cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho thấy thực trạng đầy khó khăn.
Theo NHNN, tính tới 30/6/2023, đã có hơn 18.800 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Tổng dư nợ gốc lãi được cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ là gần 62.500 tỷ đồng.
Điều này cho thấy nợ xấu tiềm ẩn có thể sẽ còn cao hơn con số thực tế hiện nay khá nhiều. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú từng thừa nhận, sáu tháng đầu năm, có thể nợ xấu nội bảng chưa cao nhưng nợ có nguy cơ tiềm ẩn ở một số ngân hàng đang nhen nhóm. Điều này luôn đặt ra vấn đề cho an toàn hệ thống.
Các chuyên gia dự báo rủi ro nợ xấu có thể tăng trở lại vào cuối năm 2023, trong năm 2024 và có sự phân hóa. Cụ thể, nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu, nợ tái cơ cấu kiểm soát ở mức vừa phải; nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cao, nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể đối mặt rủi ro nợ xấu, áp lực trích lập tăng cao trong năm 2024.