Tây Nguyên nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa

■ Bình Dương chú trọng thu hút vốn phát triển du lịch

Khách du lịch tham quan khu di tích Ðịa đạo Tam giác sắt, thị xã Bến Cát (Bình Dương). Ảnh: HOÀNG PHẠM
Khách du lịch tham quan khu di tích Ðịa đạo Tam giác sắt, thị xã Bến Cát (Bình Dương). Ảnh: HOÀNG PHẠM

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện trên địa bàn Tây Nguyên đã có gần 78,6% hộ đồng bào các dân tộc đạt chuẩn gia đình văn hóa; 72,45% số làng, thôn, buôn, bon, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa; 74,43% số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 38% số phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Lâm Ðồng là địa phương có số hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa cao nhất, hơn 86%.

Khu vực Tây Nguyên xuất hiện ngày càng nhiều gương điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, chăm lo đời sống văn hóa, giáo dục, y tế… thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bài trừ các tệ nạn mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu. Ðồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên đã bảo tồn, phát triển 10.359 bộ cồng chiêng; duy trì hoạt động 4.403 nhà văn hóa cộng đồng; duy trì, tổ chức các lễ hội văn hóa lớn của khu vực…; tự nguyện đóng góp hàng trăm héc-ta đất, hàng nghìn tỷ đồng và hàng trăm nghìn ngày công lao động cùng Nhà nước xây dựng nông thôn mới. Riêng tại tỉnh Ðác Lắc, các hộ dân đã tự nguyện đóng góp 650.000 m² đất, hơn 817 tỷ đồng và gần 90.000 ngày công lao động cho chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ðể đạt mục tiêu từ nay đến năm 2020, Tây Nguyên đạt từ 85% số gia đình văn hóa trở lên, thời gian tới, các tỉnh trong vùng tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào "Xây dựng gia đình văn hóa", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"…; đồng thời tiếp tục đổi mới công tác quản lý, tổ chức, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc phát huy tính dân chủ, vai trò tự quản ở cộng đồng.

* Tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu phát triển ngành du lịch trong giai đoạn 2016 - 2020 với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Ðể đạt mục tiêu nêu trên, Bình Dương có nhu cầu vốn đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng vào lĩnh vực du lịch, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước chiếm từ 15 đến 20%, phần còn lại từ các nguồn vốn kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ðể thu hút đầu tư, tỉnh chú trọng quy hoạch, bảo tồn quỹ đất dành cho phát triển du lịch sinh thái, hướng tới thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành dịch vụ cao cấp.

Các loại hình du lịch được Bình Dương tập trung đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 là: du lịch kết hợp tổ chức sự kiện, du lịch mua sắm, du lịch sinh thái, du lịch thể thao cao cấp, du lịch văn hóa truyền thống... Bình Dương sẽ hình thành các cụm du lịch đặc trưng, như: Cụm phía nam, tập trung xây dựng sản phẩm chính là du lịch miệt vườn, tham quan làng nghề, vui chơi giải trí, di tích lịch sử, văn hóa; Cụm phía tây bắc, tập trung xây dựng sản phẩm du lịch chính gồm tham quan Núi Cậu, du lịch trên hành lang sông Sài Gòn; Cụm phía đông sẽ phát triển du lịch dọc sông Ðồng Nai, sông Bé, với sản phẩm là du lịch sinh thái, tham quan di tích lịch sử...

Giai đoạn 2011-2015, tổng lượt khách du lịch đến Bình Dương tăng bình quân hằng năm 2,3%. Năm 2016, tổng lượng khách du lịch đến Bình Dương đạt gần 4,4 triệu lượt; doanh thu du lịch đạt 1.200 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2015.