Tập trung ứng phó bão số 5

Ngày 16-9, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1258/CÐ-TTg yêu cầu các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa và các bộ, ngành liên quan tập trung ứng phó bão số 5. Thủ tướng yêu các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, chủ động ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ" phù hợp với diễn biến của bão và tình hình cụ thể tại địa phương…

Ðối với các địa phương, đặc biệt là các địa phương vùng tâm bão dự kiến đổ bộ vào sẵn sàng lực lượng, phương tiện để sơ tán dân cư tại khu vực nguy hiểm; có phương án bảo vệ sản xuất, chủ động thu hoạch lúa đã chín, tiêu nước đệm chống úng ngập đô thị và bảo vệ sản xuất nông nghiệp; hướng dẫn người dân gia cố bảo vệ nhà cửa; chỉ đạo các biện pháp gia cố, bảo vệ trường học, cơ sở y tế, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển...; bảo vệ đê điều, nhất là đối với các tuyến đê biển, đê cửa sông, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố; chỉ đạo, tổ chức vận hành an toàn, hiệu quả các hồ chứa thủy lợi, thủy điện để vừa bảo đảm an toàn hồ đập, bảo đảm an toàn dân cư vùng hạ du và khai thác hiệu quả nguồn nước. Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt kéo dài do mưa lũ; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính…

* Ngày 16-9, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai (PCTT) chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương để chủ động ứng phó bão số 5 và mưa, lũ. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, kiểm đếm tàu, thuyền hoạt động trên biển, kiểm soát chặt chẽ việc ra khơi; có phương án bảo đảm an toàn cho người và tàu, thuyền tại nơi tránh trú bão; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để sơ tán, di dời dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực ven biển, cửa sông, khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở, lũ quét; bảo vệ, gia cố đê điều, nhất là đối với các tuyến đê biển, đê cửa sông; sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố. Triển khai phương án bảo đảm an toàn cho người và tài sản đối với các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển…

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hồi 22 giờ ngày 16-9, vị trí tâm bão số 5 ở vào khoảng 13,7 độ vĩ bắc; 115,5 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 540 km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và có khả năng mạnh thêm. Ðến 22 giờ ngày 17-9, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Quảng Bình đến Quảng Ngãi khoảng 440 km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 13. Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km và tiếp tục mạnh thêm. Ðến 10 giờ ngày 18-9, vị trí tâm bão, cách bờ biển các tỉnh Quảng Bình đến Quảng Ngãi khoảng 100 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12, giật cấp 14.

Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, đi vào đất liền khu vực từ Quảng Bình đến Ðà Nẵng với sức gió mạnh nhất cấp 10, cấp 11, giật cấp 13, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Ðến 22 giờ ngày 18-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên địa phận Lào và tiếp
tục di chuyển theo hướng tây tây bắc rồi suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái-lan.

* Ðến 10 giờ ngày 16-9, Bộ đội Biên phòng các địa phương ven biển đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 58.345 tàu, thuyền với 285.384 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Tại TP Ðà Nẵng, đến trưa 16-9 đã có 1.242 tàu, thuyền trên địa bàn được quản lý liên lạc, kêu gọi vào nơi trú tránh bão. Trong đó có 1.155 tàu đã neo đậu tại bờ, 87 tàu đang hoạt động trên biển. Ðến chiều 16-9, tỉnh Quảng Nam có 553 tàu với 5.684 lao động đang hoạt động trên vùng biển. Hiện tất cả các tàu cá này đã nhận được thông báo về diễn biến, hướng đi của bão và đang di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng. Tại tỉnh Bình Ðịnh, có hơn 1.500 tàu cá đang khai thác hải sản ở các vùng biển. Các cơ quan chức năng và gia đình chủ tàu đang thông báo, hướng dẫn cho các tàu cá biết vị trí và hướng di chuyển của bão số 5 để chủ động phòng tránh. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông báo cho 176 phương tiện/1.350 lao động trên địa bàn đang hoạt động trên biển biết về diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.

* Hiện nay, khu vực Bắc Trung Bộ có 2.323 hồ chứa thủy lợi. Trong đó, phần lớn các hồ đạt từ 10 đến 41% dung tích thiết kế, một số hồ đang ở mức cao như: hồ Duồng Cốc (Thanh Hóa) đạt 100%; tỉnh Nghệ An có hồ Cầu Cau 96%, Khe Là 98%, Vũng Sú 101%. Ngoài ra, khu vực này hiện có 55 hồ hư hỏng cần lưu ý khi xảy ra mưa, bão. Bên cạnh đó, đê biển khu vực từ Thanh Hóa đến Ðà Nẵng có 99 vị trí xung yếu cần sẵn sàng phương án bảo vệ khi bão đổ bộ.

* Theo Cục Trồng trọt, hiện nay ở các tỉnh Bắc Trung Bộ còn 98.538 ha lúa mùa chưa thu hoạch, trong đó Thanh Hóa là 70.000 ha, Nghệ An 26.000 ha, Hà Tĩnh 530 ha, Quảng Trị 1.915 ha... Ðể ứng phó với mưa, bão, các địa phương cần ưu tiên bơm thoát nước nhanh cho diện tích có nguy cơ ngập nặng, diện tích cây ăn quả, lúa, hoa màu đến thời kỳ thu hoạch. Ðặc biệt, đối với diện tích lúa đã chín, khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn với phương châm "xanh nhà hơn già đồng".

* Ngày 16-9, nhân dân tỉnh Quảng Bình đã thu hoạch xong lúa hè thu và hoa màu để tránh thiệt hại do bão lũ gây ra. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng chỉ đạo đơn vị quản lý các hồ, đập thủy lợi lớn chủ động phương án cắt giảm lượng nước khi lũ về; đối với các công trình đang thi công thì phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho công trình và vùng hạ du.

* Theo dự báo, ngày 17-9, tỉnh Lào Cai có mưa, mưa rào và dông trên diện rộng. Ðợt mưa này khả năng kéo dài khoảng ba đến bốn ngày với lượng mưa cả đợt ở các khu vực phổ biến từ 70 đến
120 mm, có nơi hơn 140 mm. Vì vậy, người dân cần đề phòng lốc, sét, gió giật mạnh và lũ quét, sạt lở đất.

* Ngày 16-9, UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, đã công bố kết thúc thiên tai do hạn hán và xâm nhập mặn mùa khô 2019 - 2020 trên địa bàn. Theo ước tính sơ bộ, hạn, mặn làm thiệt hại hàng nghìn héc-ta lúa đông xuân và hoa màu ở các huyện Hòn Ðất, Kiên Lương và vùng U Minh Thượng.

* Ngày 16-9, UBND huyện Hồng Ngự (Ðồng Tháp) và các sở, ngành liên quan đến khảo sát, tìm giải pháp khắc phục đoạn sạt lở xảy ra tại xã Thường Lạc. Ðoạn sạt lở có chiều dài 55 m, sâu vào đất liền 3 m, hiện độ sâu sạt lở gần bờ là 5 m, áp sát vào tuyến đường liên xã Thường Lạc và Thường Thới Hậu A.

* Ngày 16-9, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên cho biết, có hơn 400 tàu cá đang hoạt động xa bờ và gần bờ đã nhận được thông tin về diễn biến của bão để chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Ngoài ra, nhân dân trong tỉnh cũng đã thu hoạch được hơn 19.000 ha lúa hè thu để tránh bão.