Tập trung phục hồi sản xuất công nghiệp trong những tháng cuối năm

Sáu tháng đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội chỉ tăng 2,3%, trong khi mục tiêu kế hoạch năm nay là từ 7,5 đến 8%. Điều này đặt ra nhiệm vụ và thách thức lớn với ngành công nghiệp trong những tháng cuối năm để có thể đạt được mức tăng trưởng đã đề ra.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất tại Công ty cổ phần Thương mại và Phát triển Công nghệ PMA (huyện Hoài Đức, Hà Nội).
Sản xuất tại Công ty cổ phần Thương mại và Phát triển Công nghệ PMA (huyện Hoài Đức, Hà Nội).

Theo số liệu của Sở Công thương, sáu tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Nội ước tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh một số ngành chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng so với cùng kỳ năm trước như sản xuất đồ uống (tăng 24,5%); sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 17,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 9,9%..., còn lại nhiều ngành đã bị giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, sản xuất máy móc, thiết bị giảm 31,6%; in, sao chụp bản ghi giảm 9%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 5,6%; dệt giảm 5%...

Tương ứng với số liệu này, chỉ số tiêu thụ sản phẩm công nghiệp sáu tháng đầu năm 2023 cũng đã giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2022. Sức tiêu thụ giảm làm chỉ số tồn kho tăng cao. Ước tính đến ngày 30/6/2023, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong sáu tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội chỉ đạt 8,1 tỷ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng như dệt may, gỗ và sản phẩm từ gỗ, giày dép và các sản phẩm từ da... đều bị giảm. Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Song Phương Nguyễn Thị Phương cho biết, đơn hàng bị sụt giảm, đầu ra khó, chi phí nguyên liệu cao cộng với nguồn cung điện, xăng dầu không ổn định... đã ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết, ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ucraina kéo dài cùng chính sách tiền tệ thắt chặt để kiểm soát lạm phát đã tác động đến kinh tế toàn cầu. Ở trong nước, kinh tế chịu tác động rõ rệt, nhất là thị trường xuất khẩu sụt giảm, sức mua của thị trường nội địa, sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, có xu hướng tăng chậm lại.

Trong bối cảnh đó, sản xuất công nghiệp của Thủ đô đã cố gắng duy trì tăng trưởng, cao hơn bình quân chung của cả nước, nhưng mức tăng chưa cao, còn cách xa chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Hoạt động sản xuất công nghiệp còn nhiều khó khăn. 70 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, nhưng vẫn gặp nhiều vướng mắc về đất đai, thu hút đầu tư, môi trường, xử lý nước thải... Tiến độ triển khai xây dựng các cụm công nghiệp mới còn rất chậm. Việc phát triển các lĩnh vực, ngành nghề trong công nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Để sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ trong những tháng cuối năm 2023, Sở Công thương sẽ phối hợp các hội, hiệp hội, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan triển khai, nắm bắt, tổng hợp thông tin về khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, nhu cầu trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn, đưa ra các nội dung, giải pháp tháo gỡ nhằm thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Trong đó, tập trung tổ chức triển khai hiệu quả các đề án, kế hoạch như chương trình phát triển công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ...

Thành phố sẽ tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực nâng cao kỹ năng về quản trị, marketing, hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển đổi số, tiếp cận công nghệ tiên tiến, xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm, các hiệp định thương mại tự do... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp. Sở cũng sẽ phối hợp các đơn vị liên quan quảng bá, xây dựng kế hoạch tổ chức Hội chợ công nghiệp hỗ trợ Hà Nội năm 2023 với các hoạt động hội thảo kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thu hút đầu tư...

Các sở, ban, ngành thành phố và các quận, huyện, thị xã sẽ thực hiện rà soát nhu cầu chỉnh trang, hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn nhằm hoàn thiện trình UBND thành phố phê duyệt chương trình chỉnh trang, hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp, bảo đảm tất cả các cụm công nghiệp đang hoạt động được đầu tư, cải tạo, chỉnh trang đồng bộ hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập, tạo môi trường, mặt bằng cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba) Nguyễn Vân cho rằng, trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn thì bên cạnh các giải pháp của cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần hướng đến tăng tính liên kết, hợp tác với nhau để vừa tiêu thụ các mặt hàng của nhau, vừa tạo sức mạnh tổng thể, đủ năng lực nhận những đơn hàng lớn hơn. Từ đó, tham gia vào các chuỗi cung ứng của doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp lớn, khơi thông đầu ra cho sản xuất.