Tập trung phát triển thương mại, dịch vụ

Thời gian qua, huyện Hoài Đức đã có những bước phát triển mạnh mẽ, vừa nâng cao chất lượng đời sống người dân, vừa từng bước định hình diện mạo đô thị mới. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu trở thành quận vào năm 2025, huyện vẫn còn nhiều việc phải làm với các giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc khu đô thị mới trên địa bàn huyện Hoài Đức. (Ảnh MINH THƯ)
Một góc khu đô thị mới trên địa bàn huyện Hoài Đức. (Ảnh MINH THƯ)

Đi qua khu vực phường Dương Nội (quận Hà Đông), nếu không nhìn địa chỉ nhà bên đường đã sang xã An Khánh, huyện Hoài Đức, chắc nhiều người nghĩ vẫn đang ở trong nội thành bởi chung cư, nhà liền kề san sát. Các cửa hàng kinh doanh thương mại, dịch vụ đa dạng, sầm uất. Đây là một trong những minh chứng điển hình cho tốc độ đô thị hóa nhanh của huyện Hoài Đức thời gian gần đây.

Từng bước đồng bộ, hiện đại

Với lợi thế về địa lý, Hoài Đức đã tập trung thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn chiếm phần nhỏ. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trần Văn Nghĩa cho biết, tổng giá trị sản xuất giai đoạn 2021-2022 trên địa bàn huyện ước đạt 76.473 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 9,51%/năm.

Trong đó, tỷ trọng thương mại dịch vụ 51,58%, công nghiệp xây dựng 43,75% và nông nghiệp 4,68%; thu nhập bình quân năm 2022 đạt 72,2 triệu đồng/người/năm (tăng 10,2 triệu đồng/người/năm so với năm 2020). Huyện duy trì không còn hộ nghèo từ cuối năm 2020, số hộ cận nghèo cuối năm 2022 còn 937 hộ (1,23%); huyện có bảy xã được thẩm định đủ điều kiện xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã Yên Sở đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Bên cạnh đó, huyện đẩy nhanh tiến độ lập và điều chỉnh các quy hoạch; công tác quản lý đô thị và trật tự xây dựng được chỉ đạo quyết liệt; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ công tác đầu tư xây dựng cơ bản, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng. Năm 2022, huyện triển khai 646 dự án và năm 2023 tiếp tục triển khai 522 dự án.

Đây là những cơ sở quan trọng để huyện hướng tới mục tiêu thành quận. Song hành mục tiêu này, Hoài Đức tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Để đạt hiệu quả cao nhất, huyện đã tích hợp các tiêu chí trong hai bộ tiêu chí trên cơ sở chọn những tiêu chí khó nhất, đòi hỏi yêu cầu cao nhất để thực hiện.

Đến nay, trong Đề án xây dựng huyện thành quận, Hoài Đức đạt 25/31 tiêu chí của huyện; đối với các xã, thị trấn, ngoài tiêu chí cân đối thu-chi ngân sách, qua rà soát sơ bộ, đối chiếu với các tiêu chí mới, còn 54/320 tiêu chí chưa đạt. Kết cấu hạ tầng đô thị trên địa bàn từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại theo quy hoạch; hoàn thành 17 tuyến đường chính trên địa bàn với chiều dài khoảng 62km; đang xây dựng, hình thành sáu tuyến giao thông khung với chiều dài 22km; nâng cấp, cải tạo 42 hệ thống thoát nước chính.

Các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh, như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, giao thông, chiếu sáng, tiêu thoát nước, cây xanh... được quan tâm đầu tư. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trần Văn Nghĩa cho biết, huyện xây dựng mới 19 trường học; 61/79 trường đạt chuẩn quốc gia; 20/20 trạm y tế đạt chuẩn.

Huyện đang hoàn thiện thủ tục để triển khai xây dựng 12 khu cây xanh, thể dục, thể thao tập trung với diện tích khoảng 17ha, trong đó đã phê duyệt đầu tư 6 dự án, đang triển khai thi công xây dựng 2 dự án; chỉnh trang 51 ao hồ, tạo cảnh quan đô thị; 100% các xã, thị trấn có hệ thống cung cấp nước sạch, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 92%…

Ngoài ra, huyện đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô đoạn qua huyện, phấn đấu đến tháng 6/2023 giải phóng mặt bằng đạt hơn 80% diện tích cần thu hồi và hoàn tất nhiệm vụ này trong năm 2023.

Quan tâm sinh kế người dân

Mặc dù vậy, trong các tiêu chí trở thành quận, huyện còn một tiêu chí cơ bản đạt (xử lý nước thải đô thị đạt 19,03%, yêu cầu là 20%) và năm tiêu chí chưa đạt, gồm: Cân đối thu-chi ngân sách (mới đạt 57%); số trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia; công trình thương mại, dịch vụ cấp đô thị; công trình xanh (chưa có công trình nào). Trong đó, tiêu chí cân đối thu-chi ngân sách là một trong những nhiệm vụ khó, đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn.

Tại buổi làm việc gần đây của Thường trực Thành ủy Hà Nội với Huyện ủy Hoài Đức, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá, mặc dù kinh tế huyện tăng trưởng cao, kết cấu hạ tầng có tiến bộ, nhưng chưa đồng bộ, nên phần nào ảnh hưởng đến việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện. Do đó, lãnh đạo huyện Hoài Đức phải chú trọng đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo theo hướng sâu sát, quyết liệt, cụ thể.

Huyện cần lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, trong đó chú trọng các dự án trọng điểm của huyện, của thành phố và quốc gia; quan tâm phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, các làng nghề trên địa bàn. Đặc biệt, huyện cần tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, gắn với phát triển nông nghiệp sạch, chất lượng cao; đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng và bảo vệ môi trường.

Nhấn mạnh phát triển huyện thành quận là nhiệm vụ trọng tâm của Hoài Đức, đồng chí Đinh Tiến Dũng yêu cầu tập thể lãnh đạo huyện chú trọng quan tâm vấn đề sinh kế của người dân, bởi hiện thu nhập bình quân của huyện mới đạt 72 triệu đồng/người/năm, bằng một nửa mức bình quân của thành phố.

Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, huyện cần đánh giá kỹ những tiềm năng, lợi thế; tập trung khai thác, phát huy nhằm cải thiện đời sống, thu nhập cho người dân, trong đó, cần coi các lĩnh vực dịch vụ, du lịch là những lĩnh vực phát triển cốt lõi của huyện trong thời gian tới.