Sáng 26/11, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội thảo đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội.
Theo báo cáo, sau 10 năm thực hiện, các cấp công đoàn đã ban hành 15.812 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Công đoàn thực hiện giám sát, phản biện xã hội. Công đoàn các cấp tổ chức 39.725 cuộc tuyên truyền, phổ biến nội dung Quyết định số 217-QĐ/TW với hơn 1,9 triệu lượt người tham gia; tổ chức được gần 12,9 nghìn lớp tập huấn về giám sát, phản biện xã hội cho gần 283 nghìn cán bộ công đoàn.
Thực tế cho thấy, các cấp công đoàn đã tập trung triển khai quán triệt khá đồng bộ và sâu rộng; tổ chức nghiêm túc việc học tập, quán triệt và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các cấp Công đoàn tham gia xây dựng và ký kết các chương trình phối hợp, xây dựng và ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện giám sát, phản biện xã hội về những nội dung có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.
Các cấp công đoàn chủ trì và tham gia hơn 223 nghìn cuộc giám sát, phản biện xã hội
Trong thực hiện giám sát, công đoàn các cấp đã chủ động tham gia xây dựng các chương trình phối hợp chính quyền các cấp trong giám sát thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hằng năm, trong đó chú trọng chính sách tạo việc làm, bảo đảm việc làm, đào tạo nghề, đào tạo lại nâng cao trình độ cho người lao động;
Tham gia vào hội đồng xét duyệt nhà ở, khảo sát tình hình, nhu cầu nhà ở của công nhân lao động, qua đó đề xuất, kiến nghị đối với chính quyền địa phương và các ngành chức năng trong thực hiện các chủ trương, chính sách về các dự án nhà ở xã hội, hạ tầng xã hội; thực hiện các thiết chế văn hóa cho người lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp.
Quá trình phối hợp các ngành chức năng giám sát trực tiếp tại doanh nghiệp, nếu có vi phạm, tổ chức công đoàn kiến nghị đoàn lập biên bản, yêu cầu doanh nghiệp khắc phục vi phạm, thực hiện đúng quy định của pháp luật....
Về nội dung giám sát, phản biện xã hội, tổ chức công đoàn tập trung các lĩnh vực có liên quan đến đoàn viên, người lao động như thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tiền lương, thu nhập, hợp đồng lao động, Thỏa ước lao động tập thể, an toàn vệ sinh lao động, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp; giám sát việc người sử dụng lao động thực hiện nâng lương định kỳ, đột xuất và thực hiện quy định về điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật; giám sát việc ký kết và thực hiện hợp đồng lao động, thực hiện Thỏa ước lao động tập thể…
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu. |
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra những khó khăn sau 10 năm triển khai đó là, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giám sát chưa nhiều; Việc triển khai thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp, nhất là tại các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.
Nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW của 1 số cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp còn hạn chế dẫn đến chưa quan tâm, sâu sát, thường xuyên; Một số liên đoàn lao động tỉnh không được chính quyền hỗ trợ kinh phí giám sát, phản biện xã hội.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp ý kiến, làm rõ những kết quả đạt được, chỉ ra những bất cập, hạn chế và nguyên nhân để từ đó đề xuất các giải pháp, thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội trong bối cảnh công đoàn đã đề xuất thể chế hơn Quyết định 217-QĐ/TW trong Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Để tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW, các đại biểu kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục chỉ đạo liên đoàn lao động các tỉnh, thành, công đoàn ngành Trung ương và tương đương; công đoàn Tổng Công ty trực thuộc xây dựng kế hoạch giám sát của địa phương, ngành đối với những chính sách pháp luật có nội dung liên quan quyền, lợi ích của người lao động: Tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hợp động lao động, thỏa ước lao động tập thể, an toàn, vệ sinh lao động; Đào tạo nghề, thi đua khen thưởng, các dự án nhà ở, hạ tầng xã hội, thiết chế văn hóa cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.
Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức, bộ máy, cán bộ; Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng và giám sát phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ công đoàn;
Gắn việc thực hiện công tác chuyên môn với công tác phản biện xã hội để tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội.
Chủ thể giám sát và phản biện xã hội là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội từ Trung ương đến cơ sở, bao gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Trong đó, phạm vi phản biện xã hội của các đoàn thể chính trị- xã hội đối với các văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên, tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của đoàn thể mình; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nhiệm vụ phản biện xã hội.