Tập trung đào tạo, phát huy tài năng diễn viên nghệ thuật sân khấu truyền thống

NDO - Sau 6 ngày thi tài sôi nổi, Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo toàn quốc-2023 do Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa tổ chức đã chính thức khép lại.
0:00 / 0:00
0:00
Trao giải các diễn viên tại cuộc thi.
Trao giải các diễn viên tại cuộc thi.

Trong suốt thời gian diễn ra cuộc thi (từ ngày 11 đến 17/5), công chúng yêu chèo đã được thưởng thức 63 trích đoạn đặc sắc của 73 diễn viên dự thi đến từ 14 đơn vị nghệ thuật trên cả nước.

Tại lễ tổng kết và bế mạc cuộc thi diễn ra tối 17/5 tại Nhà hát Lam Sơn, Thanh Hóa, đánh giá về chất lượng chuyên môn cuộc thi, Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Anh - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo nhận định: Tín hiệu mừng nhất trong cuộc thi này là chất lượng nghệ thuật của 14 đơn vị khá đồng đều. Mỗi diễn viên dự thi đều nỗ lực “thổ tận can tràng” để thể hiện tốt nhất phần thi của mình.

Trên sân khấu, khán giả, bạn nghề đã có những thời khắc “mãn nhĩ” với nhiều giọng chèo đằm thắm, trữ tình da diết, và được “mãn nhãn” với những khuôn diễn, bộ múa khá thuần thục, khắc họa Tinh, Khí, Thần của nhân vật chèo.

“Phần lớn các trích đoạn dự thi được dàn dựng công phu, diễn viên thăng hoa trên sân khấu với nghề để bộc lộ hết tài năng của mình, tạo nên điểm nhấn nghệ thuật đầy ấn tượng, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa chèo” - Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Anh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, theo Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, cuộc thi vẫn còn một vài hạn chế như: các vai diễn dự thi còn trùng lặp nhiều; một số trích đoạn chưa thực sự chuyển tải được vấn đề nóng bỏng của cuộc sống đương thời, nội dung cũ mòn.

Bên cạnh những đơn vị nghệ thuật như Nhà hát Chèo Quân đội, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Thanh Hóa ưu tiên lựa chọn những trích đoạn mang hơi thở thời đại, góp phần tuyên truyền cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, thì vẫn còn một số đơn vị chưa có sự chọn lựa cẩn trọng, nội dung trích đoạn dự thi chưa chú trọng việc xây dựng hình tượng nhân vật chèo…

Đây là những tồn tại cần được nhìn nhận nghiêm túc để tìm cách khắc phục, góp phần nâng cao chất lượng nghệ thuật chèo.

Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao 17 Giải Nhất, 14 Giải Nhì cho các diễn viên tài năng, và trao 2 Giải Xuất sắc cho Người dàn dựng trích đoạn có sáng tạo, đạt hiệu quả cao và Người hướng dẫn ca diễn.

Nhân dịp này, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng trao giải thưởng cho các nghệ sĩ, diễn viên đã có sự cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt các phần dự thi.

Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo toàn quốc-2023 là cuộc thi diễn ra nối tiếp Cuộc thi Tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc-2023 được tổ chức ở cùng địa điểm tại Thanh Hóa (từ ngày 6 đến 11/5).

Trước đó, Ban tổ chức đã tổng kết và trao 8 giải nhất, 9 giải nhì cho các diễn viên tuồng, dân ca kịch tài năng; và 2 giải xuất sắc cho Người hướng dẫn ca diễn và Người dàn dựng trích đoạn có sáng tạo, đạt hiệu quả cao tại cuộc thi Tài năng diễn viên tuồng và dân ca kịch toàn quốc-2023.

Đánh giá về các sân chơi nghệ thuật chuyên nghiệp này, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhận định: Trải qua 11 ngày đêm biểu diễn, tranh tài, các nghệ sĩ, diễn viên dự thi Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc-2023 (từ ngày 6 đến 16/5) đã thể hiện, phô diễn tài năng nghệ thuật, đem đến cho khán giả yêu nghệ thuật truyền thống nhiều cảm xúc, cái nhìn đa sắc màu và những ấn tượng sâu đậm không chỉ về nghệ thuật sân khấu truyền thống, mà còn bao hàm trong đó nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định: Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc-2023, là hoạt động hết sức cần thiết, cần được duy trì, nâng cao về quy mô và chất lượng.

Thông qua cuộc thi, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị, Cục Nghệ thuật biểu diễn cần tích cực nghiên cứu, tham mưu cơ chế, chính sách cải thiện chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ, diễn viên trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu truyền thống nói riêng, đặc biệt là các cơ chế, chính sách và chế độ đãi ngộ đối với công tác thu hút, tìm kiếm, đào tạo và phát huy nghệ sĩ, diễn viên tài năng của nền nghệ thuật sân khấu truyền thống nước nhà.

Thứ trưởng cũng yêu cầu thời gian tới, Cục Nghệ thuật biểu diễn cần khẩn trương mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật biểu diễn cho diễn viên nhằm bảo tồn các giá trị của sân khấu truyền thống; xây dựng các đề án về đặt hàng vở diễn cho các Nhà hát, các đoàn nghệ thuật truyền thống trong cả nước; tiếp tục hoàn thiện các quy chế thi, phương thức tổ chức để các cuộc thi ngày một tốt hơn, tìm ra được nhân tài cho nghệ thuật truyền thống nước nhà.