Tại cuộc tiếp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres sáng nay, 22/10, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Liên hợp quốc là đối tác quan trọng hàng đầu của đối ngoại đa phương, đã hỗ trợ rất thiết thực để Việt Nam tái thiết đất nước sau chiến tranh, phá thế bao vây, cấm vận, đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Quốc hội và nhân dân Việt Nam trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của Liên hợp quốc thông qua cơ chế COVAX đã cung cấp cho Việt Nam 61,7 triệu liều vaccine và nhiều vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19. “Đây là nhân tố để Việt Nam nhanh chóng phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế’.
Việt Nam, “điểm sáng tích cực, chủ động”
Bày tỏ vui mừng đến thăm Việt Nam và Nhà Quốc hội Việt Nam, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết đã theo dõi thông tin về Việt Nam từ khi Việt Nam tiến hành các cuộc đấu tranh giành độc lập cho tới quá trình khôi phục đất nước, nhiều năm qua trở thành tấm gương về sự phát triển, xóa đói, giảm nghèo và phát triển.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc chia sẻ với những khó khăn mà Việt Nam đã và đang phải đối mặt, trong đó có sự bất bình đẳng về phân bổ vaccine Covid-19, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nguồn lực để khôi phục đất nước.
Quang cảnh buổi tiếp tại Nhà Quốc hội Việt Nam. (Ảnh: Duy Linh) |
Đây cũng là khó khăn, là vấn đề chung của các nước đang phát triển, bởi vậy, Tổng Thư ký Liên hợp quốc mong muốn Việt Nam và Liên hợp quốc tiếp tục sát cánh bên nhau để tạo ra sự bình đẳng trong phát triển kinh tế, tránh nới rộng thêm khoảng cách giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao những đóng góp tích cực, hiệu quả của các tổ chức Liên hợp quốc như UNDP, UNICEF đối với Quốc hội Việt Nam, giúp nâng cao năng lực của các cơ quan dân cử và kỹ năng của đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện các chức năng do Hiến pháp và luật pháp quy định.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, ngay sau khi chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030 của Liên hợp quốc được thông qua, Quốc hội Việt Nam là một trong những cơ quan lập pháp sớm nhất trên thế giới đã cụ thể hóa và thể chế hóa toàn bộ các khung chính sách của phát triển bền vững vào hệ thống luật pháp, các chiến lược phát triển 5 năm, 10 năm.
Dịp này, Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, hiện nay Việt Nam đang triển khai rất nhất quán theo chủ trương phát triển bền vững, phát triển bao trùm, không để một ai bị bỏ lại phía sau; Quốc hội Việt Nam đã quyết định 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 bao gồm chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững; chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi tiếp. (Ảnh: Duy Linh) |
Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam ban hành các nghị quyết trao thẩm quyền đặc thù, đặc cách, đặc biệt để Chính phủ chủ động kiểm soát dịch Covid-19, đưa đất nước chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, phục hồi tăng trưởng. Đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, trong đó, vai trò của Quốc hội đi tiên phong.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách đồng bộ theo các tiêu chuẩn quốc tế và những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã cam kết, bảo đảm khuôn khổ pháp lý hội nhập quốc tế một cách chủ động, tích cực và có trách nhiệm.
Quốc hội Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đóng góp rất tích cực vào quá trình cử lực lượng gìn giữ hòa bình, các chương trình hợp tác ba bên của Liên hợp quốc với đối tác Việt Nam và một bên thứ ba như châu Phi.
Thúc đẩy tăng cường kết nối
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Liên hợp quốc tiếp tục quan tâm, thúc đẩy tăng cường kết nối giữa Quốc hội Việt Nam với các hoạt động của Liên hợp quốc, giữa các cơ quan của Liên hợp quốc với Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) cũng như các cơ chế đa phương liên quan khác, qua đó Quốc hội Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với các hoạt động chuyên môn của các tổ chức quốc tế trên phạm vi khu vực và toàn cầu...
Việt Nam đề nghị Liên hợp quốc tiếp tục hỗ trợ các cơ quan Quốc hội nâng cao năng lực, kỹ năng trong hoàn thiện chính sách và khuôn khổ pháp lý, giám sát triển khai các chương trình phát triển kinh tế, xã hội quốc gia, trong đó có lồng ghép hiệu quả các SDGs và các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi tiếp. (Ảnh: Duy Linh) |
Theo Chủ tịch Quốc hội, Việt Nam mong muốn và đề nghị các cơ quan của Liên hợp quốc cùng các cơ quan của Quốc hội Việt Nam tổ chức đối thoại, chia sẻ về vấn đề chuyển đổi năng lượng; Liên hợp quốc có vai trò ngày càng lớn hơn, quan trọng hơn trong hợp tác chuyển đổi năng lượng quốc gia một cách công bằng và bền vững, để hỗ trợ các nước đang phát triển như Việt Nam tiết kiệm công nghệ, nguồn tài chính bảo đảm cân bằng lợi ích về chi phí của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Về vấn đề chuyển đổi số, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cũng như chuyển đổi năng lượng, thời cơ và thách thức của lĩnh vực này đan xen, đó là vấn đề niềm tin số, chủ quyền số, vấn đề an toàn, an ninh thông tin mạng.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại buổi tiếp. (Ảnh: Duy Linh) |
Theo Chủ tịch Quốc hội, với các cơ chế riêng có, Liên hợp quốc có thể dẫn dắt trong việc định hình, thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác quốc tế nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng cũng như chuyển đổi số.
Quốc hội Việt Nam đang tập trung nỗ lực vào hai thách thức này để ban hành những khung khổ thể chế thích hợp, tận dụng được cơ hội, khắc phục những khó khăn, thách thức, rủi ro để đảm bảo sự phát triển.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Việt Nam cũng như Quốc hội Việt Nam luôn tuân thủ hiến chương Liên hợp quốc về Luật pháp quốc tế, nhất là nguyên tắc nhất quán trong tôn trọng độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết hòa bình các tranh chấp là con đường để đạt được nền hòa bình một cách bền vững, mang lại thịnh vượng cho nhân dân, xây dựng một trật tự thế giới dựa trên luật lệ và một quan hệ quốc tế công bằng, bình đẳng, hữu nghị giữa các quốc gia...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà lưu niệm cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: Duy Linh) |
Ghi nhận những nội dung được Chủ tịch Quốc hội nêu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc mong Việt Nam và Liên hợp quốc tiếp tục sát cánh bên nhau để tạo ra sự bình đẳng trong phát triển kinh tế, tránh nới rộng thêm khoảng cách giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.
Nhất trí quan điểm với Chủ tịch Quốc hội về những khó khăn trong việc chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số, Tổng Thư ký Liên hợp quốc khẳng định, đây cũng là những vấn đề được Liên hợp quốc rất quan tâm và đưa vào chương trình nghị sự. Liên hợp quốc sẵn sàng cử chuyên gia giúp Việt Nam giải quyết những vấn đề này.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng đánh giá cao và hoan nghênh các sáng kiến của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực quan trọng và được hai bên đề cập trong cuộc gặp, làm việc sáng nay.