Tạo xung lực cho các mục tiêu khí hậu

Quỹ Thiên nhiên Thế giới (WFN) cảnh báo, các cuộc đàm phán trước thềm Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) đang “thiếu xung lực một cách đáng lo ngại”. Mức độ thường xuyên và kéo dài của các hiện tượng khí hậu cực đoan ngày càng gia tăng cho thấy thế giới đang tiến gần hơn thảm họa không thể đảo ngược do biến đổi khí hậu.
0:00 / 0:00
0:00

Khoảng 5.000 đại biểu đến từ gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã tập trung tại Hội nghị tham vấn thường niên của Liên hợp quốc về khí hậu, vừa được tổ chức ở thành phố Bonn, miền Tây nước Đức.

Nhiệt độ không khí trung bình ở bề mặt Trái đất đã tăng hơn 1,5 độ C. Mức tăng nhiệt độ Trái đất từng vượt ngưỡng 1,5 độ C, song đây là lần đầu hiện tượng này được ghi nhận vào mùa hè ở bắc bán cầu, từ ngày 1/6 vừa qua.

Hội nghị thảo luận về các chính sách khí hậu, cũng như đánh giá lại tiến bộ của các quốc gia trong việc thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động vì môi trường đã bày tỏ thất vọng khi sự kiện kéo dài hơn 10 ngày nhưng chỉ đạt một số tiến bộ nhỏ trong các vấn đề lớn liên quan biến đổi khí hậu, như nhiên liệu hóa thạch và tài chính khí hậu.

Hành tinh xanh dường như đã gửi thông điệp đến Hội nghị khí hậu ở Bonn. Trong lúc các đặc phái viên các nước về khí hậu ngồi quanh bàn đàm phán tại Hội nghị, nhiệt độ không khí trung bình ở bề mặt Trái đất đã tăng hơn 1,5 độ C. Mức tăng nhiệt độ Trái đất từng vượt ngưỡng 1,5 độ C, song đây là lần đầu hiện tượng này được ghi nhận vào mùa hè ở bắc bán cầu, từ ngày 1/6 vừa qua.

Cuộc đàm phán song phương về khí hậu giữa Trung Quốc và Mỹ, những nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới, vẫn chưa được nối lại sau thời gian dài bị đình trệ. Trong khi đó, nhiệt độ tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc lại “lập kỷ lục” mới trong tháng 6 vừa qua và các đợt nắng nóng cực đoan bao trùm nước Mỹ. Trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 4/7, có tới một nửa dân số Mỹ được khuyến cáo thận trọng khi ra ngoài trời, do nóng gay gắt và chất lượng không khí kém do khói từ các đám cháy rừng tại Canada.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), châu Âu là lục địa ấm lên nhanh nhất thế giới khi nền nhiệt tăng với tốc độ gấp đôi mức trung bình toàn cầu kể từ những năm 1980.

Nhiệt độ Trái đất đã ấm lên so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp trung bình gần 1,2 độ C, trong khi con số này ở châu Âu là 2,3 độ C. Năm 2022, hàng loạt quốc gia châu Âu như Pháp, Đức, Italia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh đều phải hứng chịu mùa hè nắng nóng kỷ lục.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), châu Âu là lục địa ấm lên nhanh nhất thế giới khi nền nhiệt tăng với tốc độ gấp đôi mức trung bình toàn cầu kể từ những năm 1980.

Khí hậu vốn khắc nghiệt tại các quốc gia Vùng Vịnh cũng được dự báo sẽ khắc nghiệt hơn nữa. Bộ Y tế Saudi Arabia cho biết, chỉ trong ngày 29/6 vừa qua có tới gần 2.000 tín đồ Hồi giáo bị sốc nhiệt khi tham gia lễ hành hương dưới cái nắng gay gắt của mùa hè sa mạc.

Theo các nhà nghiên cứu, đến cuối thế kỷ này, nền nhiệt 50 độ C trong mùa hè có thể xuất hiện hằng năm tại Vùng Vịnh.

Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc thậm chí cảnh báo rằng, đến cuối thế kỷ này, nhiều khu vực ở Vùng Vịnh sẽ không còn là nơi con người có thể sinh sống do sự ấm lên toàn cầu.

Khả năng kìm hãm tốc độ Trái đất ấm lên phụ thuộc phần lớn vào việc các quốc gia có giữ vững và thực hiện cam kết cắt giảm khí thải hay không. Phần lớn các nước đặt mục tiêu đến giữa thế kỷ này có mức phát thải ròng các-bon bằng 0, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ hướng tới đạt mục tiêu này lần lượt vào năm 2060 và 2070.

Theo một bản đánh giá được công bố gần đây, gần như tất cả các nước trong nhóm 35 quốc gia phát thải 4/5 lượng khí gây hiệu ứng nhà kính toàn thế giới có kế hoạch trung hòa khí thải các-bon ở mức độ tin cậy thấp.

Các nhà khoa học ước tính, từ nay đến năm 2030, thế giới cần cắt giảm thêm khoảng 43% lượng phát thải khí nhà kính so với mức của năm 2019, để có thể đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris là duy trì đà tăng nhiệt độ Trái đất ở mức tối đa 2 độ C.

Thời gian không còn nhiều và các hiện tượng khí hậu cực đoan xảy ra khắp nơi đang nhắc nhở thế giới rằng, hành tinh xanh đang trong hành trình đếm ngược đến thảm họa khí hậu.