Thế giới nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) tác động tiêu cực tới các khu vực trên thế giới, nhiều quốc gia đang nỗ lực huy động những nguồn lực nhằm ứng phó “căn bệnh chung” toàn cầu này.
0:00 / 0:00
0:00
Biến đổi khí hậu gây nhiều hậu quả nghiêm trọng trên toàn cầu. Ảnh: MORGAN HIL
Biến đổi khí hậu gây nhiều hậu quả nghiêm trọng trên toàn cầu. Ảnh: MORGAN HIL

Châu Phi tìm kiếm cơ hội

Bộ trưởng Nông nghiệp Ai Cập El-Sayed El-Quseir kêu gọi chính phủ các nước và đối tác phát triển hỗ trợ tài chính để ứng phó tác động tiêu cực của BĐKH, cũng như các chương trình giảm thiểu và thích ứng với hiện tượng toàn cầu này. Ông El-Quseir đưa ra tuyên bố trên tại hội nghị đầu tiên của các nước Arab về khí hậu và phát triển bền vững.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp Ai Cập kêu gọi chính phủ các nước khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư để hỗ trợ những dự án thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH, bằng cách đưa ra các biện pháp khuyến khích và ưu đãi về thuế. Bộ trưởng Nông nghiệp Ai Cập đề xuất thiết lập một “nền tảng carbon” để giúp các cộng đồng địa phương tăng cường khả năng thiết lập những hệ thống nông nghiệp có khả năng phục hồi và bền vững hơn, đặc biệt là ở các vùng dễ bị tổn thương về khí hậu. Ông cũng kêu gọi tạo ra các hệ thống cảnh báo sớm ở địa phương và khu vực cho phép nông dân thực hiện các biện pháp chủ động ứng phó biến đổi khí hậu. Bộ trưởng El-Quseir nêu rõ, các nước công nghiệp lớn cần thực hiện các cam kết về khí hậu trong khuôn khổ Công ước khung của LHQ về BĐKH (UNFCCC), Thỏa thuận Paris năm 2015 và Nghị định thư Kyoto.

Nỗ lực của Ai Cập được thúc đẩy trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về BĐKH (COP27) dự kiến diễn ra từ ngày 6 đến 18/11 tới tại thành phố Sharm El-Sheikh. Với tư cách nước chủ nhà COP27, Ai Cập quyết tâm đạt được các kết quả trong việc giúp các nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Phi, tiếp cận các nguồn tài chính nhằm ứng phó BĐKH.

Nỗ lực toàn cầu

Liên minh các tổ chức sở hữu tài sản không phát thải (NZAOA) của LHQ cho biết, gần hai phần ba số thành viên của tổ chức này đặt ra các mục tiêu ngắn hạn nhằm cắt giảm lượng phát thải trong danh mục đầu tư nhằm đáp ứng mục tiêu giới hạn sự tăng nhiệt độ Trái đất ở mức 1,5oC. NZAOA, gồm 74 nhà đầu tư với tổng tài sản 10.600 tỷ USD, đang hỗ trợ các thành viên loại dần carbon trong danh mục đầu tư của họ. Đây được xem là một trong những nỗ lực của tổ chức này nhằm chống BĐKH.

Mặc dù tất cả thành viên đều cam kết chuyển đổi các danh mục đầu tư sang phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhưng NZAOA vẫn yêu cầu họ thực hiện những mục tiêu ngắn hạn hơn. Chủ tịch NZAOA Günther Thallinger cho biết, liên minh yêu cầu mỗi thành viên mới gia nhập trong một năm phải đặt ra những mục tiêu ngắn hạn. Trong báo cáo hằng năm lần thứ hai được công bố trong khuôn khổ Tuần lễ Khí hậu New York, NZAOA cho biết, 41 thành viên với tổng tài sản 3.300 tỷ USD đã đặt mục tiêu cắt giảm phát thải trong danh mục đầu tư ít nhất 22% vào năm 2025 và 49% vào năm 2030.

Trong khi đó, Indonesia thể hiện quyết tâm cụ thể với việc thúc đẩy quá trình điều chuyển ngân sách trợ cấp phương tiện cơ giới chạy bằng nhiên liệu thông thường sang sử dụng xe điện. Bộ trưởng Giao thông vận tải Budi Karya Sumadi cho biết, ngân sách trợ cấp nhiên liệu (BBM) sẽ được chuyển đổi sang hỗ trợ xe có động cơ chạy bằng pin (KBLBB). Mặc dù hiện tại, chi phí chuyển đổi một xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang KBLBB vẫn còn khá cao (khoảng 15 triệu rupiah, tương đương 24 triệu đồng), nhưng khi nhu cầu sử dụng xe điện tăng và cơ sở hạ tầng ngành công nghiệp xe điện hoàn thiện, giá cả sẽ có tính cạnh tranh hơn.

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Arifin Tasrif cho biết, Indonesia cũng đang đẩy mạnh chế tạo các bộ phận chính của xe điện và thiết lập hệ thống nhà xưởng, đại lý kinh doanh xe điện nhằm thúc đẩy hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Ông khẳng định, KBLBB sẽ tiết kiệm chi phí hơn, thân thiện môi trường và giảm phụ thuộc nhiên liệu mà giá cả đang biến động khôn lường. Việc khuyến khích sử dụng năng lượng mới và tái tạo là một trong những nỗ lực của Chính phủ Indonesia nhằm đối phó tình trạng BĐKH và hiện thực hóa chuyển đổi năng lượng sạch.