Nguồn nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ tự nhiên đang bị khai thác quá mức, thiếu tổ chức dẫn đến cạn kiệt. Các vùng nguyên liệu nuôi trồng tập trung thiếu quy hoạch tổng thể và bị thu hẹp do phải cạnh tranh với các loại cây trồng khác dẫn đến thiếu nguyên liệu tại chỗ, sản xuất phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu do đó phát sinh chi phí làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh. Vì vậy nhiều cơ sở sản xuất, làng nghề không mở rộng được quy mô, hoạt động cầm chừng; lao động thiếu việc làm, thu nhập không ổn định...
Nhu cầu cao, nguyên liệu thiếu
Theo đánh giá của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhu cầu sử dụng các sản phẩm thủ công ngành nghề nông thôn ở thị trường trong nước được dự báo gia tăng trong những năm tới, nhất là các nhóm ngành hàng thủ công mỹ nghệ có chức năng trang trí để đáp ứng cho nhu cầu xây dựng ngày càng gia tăng như mộc gia dụng, sơn mài, gốm sứ, mây tre, cói… và các mặt hàng chế biến nông lâm sản sạch, hữu cơ và sinh vật cảnh.
Tiềm năng thị trường thế giới về hàng thủ công còn rất lớn. Hiện tại, xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng lâm sản ngoài gỗ vào các nước. Ðể phát triển, ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam và các làng nghề cần tăng cường năng lực sản xuất theo hướng đi riêng là mang tính khác biệt với dấu ấn, bản sắc văn hóa Việt Nam hòa hợp với xu thế tiêu dùng của các quốc gia nhập khẩu và đặc biệt đòi hỏi vùng nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm xuất khẩu phải có chứng chỉ rừng bền vững, bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế.
Hiện nay, nguyên liệu mây, tre luồng trong nước mới đáp ứng được hơn 50% nhu cầu sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, còn lại vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Nguyên liệu sợi bông của Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu tới 98%, chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Ðộ, châu Phi. Một số tỉnh khu vực miền núi có trồng bông để phục vụ nghề dệt của đồng bào dân tộc thiểu số nhưng hiện tại diện tích cũng không nhiều.
Ðối với vùng nguyên liệu tre, luồng, mây, nứa, hiện nay đang có diện tích 784.694 ha (rừng tự nhiên là 673.139 ha; rừng trồng 111.555 ha) tập trung ở 35 tỉnh với hơn 200 loài tre, nứa, khoảng 30 loài song mây. Riêng vùng nguyên liệu tre, luồng, tổng diện tích hiện có là 556.605 ha (rừng tự nhiên là 451.812 ha; rừng trồng 104.793 ha), tập trung tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lâm Ðồng, Kon Tum, Ðắk Nông, Bình Phước... Tre luồng được xem là loại cây xóa đói, giảm nghèo, có thể mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng địa phương, nhất là cho người nghèo. Ðây là nguồn thu nhập chính cho nhiều nông dân vùng cao ở một số huyện nghèo nhất của hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và các doanh nghiệp chế biến tre luồng hiện đang sử dụng luồng làm nguyên liệu chính để sản xuất thành phẩm.
Tuy nhiên, giá trị của cây luồng hiện nay vẫn còn rất thấp, đời sống người dân còn gặp rất nhiều khó khăn khi giá bán luồng trung bình hiện nay mới chỉ đạt 800-1.000 đồng/kg luồng tươi. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu phục vụ cho dệt, thêu như tơ tằm, sợi bông, sợi lanh và gần đây là sợi gai (từ cây gai xanh), tơ sen cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất. Hiện cả nước có khoảng 15.000 ha diện tích đất trồng dâu, riêng tỉnh Lâm Ðồng chiếm 73% sản lượng tơ của cả nước với 8.500 ha dâu.
Hiện tại, Việt Nam chưa tự sản xuất được nguồn trứng tằm mà phải nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Nguyên liệu sợi bông của Việt Nam cũng chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu (98%), chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Ðộ, châu Phi,… Một số tỉnh miền núi phía bắc có trồng cây lanh, tuy nhiên diện tích nhỏ, không ổn định và đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây...
Liên kết để cùng phát triển
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu (Ðồng Nai) Võ Quang Hà cho rằng, hiện nay, nhu cầu sử dụng nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trong nước rất lớn nhưng có tới hơn 30% phải nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó có những loại nguyên liệu phải nhập khẩu 100% đã đẩy giá thành lên cao, khó cạnh tranh với các mặt hàng cùng loại của các nước khác, lợi nhuận doanh nghiệp thấp.
Do vậy, không gì tốt hơn là phát triển bền vững các vùng nguyên liệu lâm sản trong nước. Muốn thế phải đầu tư. Cùng với Nhà nước, các doanh nghiệp nên đồng hành với các địa phương, người dân có rừng, có đất để tạo ra các vùng nguyên liệu theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Ðây chính là cách phát triển bền vững nhất, có lợi nhuận tốt nhất cho cả nông dân và doanh nghiệp.
Liên kết sản xuất trong lĩnh vực lâm nghiệp hiện nay đang từng bước được thực hiện. Tuy vậy, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, cả nước mới có tám dự án liên kết sản xuất trong lĩnh vực lâm nghiệp và bảy kế hoạch liên kết theo Nghị định số 98/NÐ-CP của Chính phủ được các địa phương phê duyệt (trong tổng số 579 dự án liên kết và 354 kế hoạch liên kết trong toàn lĩnh vực nông, lâm, thủy sản được phê duyệt).
Tỷ lệ giá trị sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ được sản xuất dưới các hình thức liên kết mới chỉ đạt 3,74%. Số hợp tác xã lâm nghiệp hiện cũng chỉ chiếm 1,02% (181 hợp tác xã), tổ hợp tác chiếm 1,03% (320 tổ hợp tác) và 129 trang trại chiếm 0,65% trang trại trên địa bàn cả nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Ðề án “Phát triển vùng nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ đến năm 2030” trình Chính phủ ban hành, trong đó tổ chức phát triển vùng nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ phục vụ cho sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Theo đó, tập trung vào phát triển một số trung tâm nguyên liệu tập trung lớn cho sản xuất các sản phẩm chủ lực của mây, tre luồng, bông, lanh.
Nghiên cứu cải tiến giống, phục tráng các giống cho năng suất đang có nguy cơ mai một và chăm sóc các loại cây nguyên liệu có chất lượng tốt, phù hợp các mặt hàng thủ công truyền thống. Tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu tại các làng nghề tham gia phát triển vùng nguyên liệu.
Kế hoạch đặt ra mục tiêu cụ thể cho ngành lâm nghiệp là tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân hằng năm từ 5,0% đến 5,5%; trị giá xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 18-20 tỷ USD và tiêu thụ lâm sản thị trường trong nước đạt 5 tỷ USD vào năm 2025. Bên cạnh đó, sản xuất lâm sản khai thác từ rừng trồng tập trung đạt 35 triệu mét khối/năm vào năm 2025; đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản.
Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trong lĩnh vực phát triển thị trường, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm chế biến cho phù hợp nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Ðể làm tốt các mục tiêu đề ra, ngành lâm nghiệp tập trung hỗ trợ phát triển các nguồn nguyên liệu có chứng chỉ bền vững, phù hợp quy chuẩn quốc tế và nguồn nguyên liệu thích ứng, giảm đến mức thấp nhất tác động của biến đổi khí hậu; hỗ trợ chế biến nguyên liệu thân thiện với môi trường và phát triển công nghệ chế biến nguyên liệu.
Khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, làng nghề tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp làm nguyên liệu sản xuất để tiết kiệm nguyên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển mô hình sản xuất tuần hoàn, thân thiện môi trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương xây dựng các mô hình kinh tế trang trại lâm nghiệp, trang trại nông, lâm kết hợp gắn với phát triển sản phẩm OCOP và du lịch.
Mô hình hợp tác, liên kết chủ rừng, trồng rừng trên cơ sở hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác lâm nghiệp liên kết với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, minh bạch nguồn gốc. Tập trung xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giữa doanh nghiệp chế biến với người trồng rừng để phát triển bền vững các vùng nguyên liệu lâm sản tại chỗ phục vụ sản xuất, chế biến hiệu quả phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu….