Lâu nay, công tác bổ nhiệm cán bộ luôn được coi là lĩnh vực nhạy cảm, hay phát sinh phức tạp, thậm chí là xảy ra sai phạm. Nguyên nhân là bởi việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình, nhưng chưa đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu” xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Chính vì vậy, việc triển khai thi tuyển chức danh lãnh đạo thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ cơ chế trọng dụng nhân tài. Qua thi tuyển sẽ tạo sự cọ xát, khẳng định một cách khách quan về năng lực cán bộ.
Thi tuyển chức danh lãnh đạo không còn là việc mới, đã được nhiều ban, bộ, ngành, địa phương triển khai trong những năm qua và thể hiện hiệu quả trong thực tiễn. Từ chỗ triển khai thí điểm ở một vài đơn vị, thi tuyển lãnh đạo ngày càng được triển khai ở nhiều chức vụ cấp vụ, cấp sở và tương đương, kể cả cấp tổng cục, bước đầu tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút người có phẩm chất, năng lực tốt tham gia đội ngũ lãnh đạo, quản lý, được dư luận đánh giá cao. Và quan trọng hơn, việc thi tuyển đã tránh được tình trạng sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình, nhưng không đúng người.
Việc thành phố Hà Nội tổ chức thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý sẽ từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ, tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm tại các sở, ngành, quận, huyện, thị xã. Đồng thời tạo điều kiện, động lực để cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu, rèn luyện, học tập và có cơ hội để tham gia công tác lãnh đạo, quản lý, tạo tính công khai, minh bạch, năng động trong công tác cán bộ. Điều dư luận quan tâm là công tác tổ chức thi phải được thực hiện khách quan, công bằng, tạo cơ hội cho thí sinh thể hiện tốt nhất năng lực của mình. Sau khi triển khai thí điểm thi tuyển 86 chức danh đợt này, thành phố Hà Nội sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm để việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trở thành phổ biến và đạt kết quả như mong muốn.