Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, từ tháng 10/2023 đến nay, các hợp tác xã đã sử dụng nguồn vốn vay để đầu tư cây, con giống, thiết bị, phương tiện... góp phần tăng quy mô và hiệu quả sản xuất. Đáng chú ý là các hợp tác xã đã tạo ra nhiều việc làm cho người dân thuộc diện nghèo, khó khăn.
Giúp nhân dân có việc làm ổn định
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Hoàng Thức, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) Nguyễn Thị Uyên chia sẻ: “Hợp tác xã được thành lập ba năm nay với ngành nghề là chăn nuôi bò, nuôi trùn (giun) quế và lươn. Chăn nuôi bò ở đây phù hợp với khí hậu, nguồn thức ăn sẵn và giá bán ổn định nên cho hiệu quả cao. Từ tháng 10/2023, Hợp tác xã tham gia chương trình xây dựng mô hình kinh tế nông nghiệp điển hình gắn với xây dựng nông thôn mới. Khi tham gia chúng tôi được hỗ trợ một tỷ đồng để mua bò giống và bò vỗ béo.
Đáng chú ý, từ nguồn vốn hỗ trợ, Hợp tác xã đã mời các hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn tham gia. Đến nay, đã giải quyết việc làm cho 25 lao động là những hộ nghèo, khó khăn với thu nhập 200 nghìn đồng/người/ngày. Đặc biệt, những lao động thuộc hộ nghèo, khó khăn khi tham gia chương trình tích cực trong ba năm liên tiếp cũng như có kinh nghiệm chăn nuôi sẽ được hỗ trợ một con bê cái để phát triển sản xuất. Để sản xuất, kinh doanh mang lại lợi nhuận cao, Hợp tác xã hướng đến chăn nuôi theo hướng tuần hoàn khép kín.
Trong đó, phân bò làm nguồn thức ăn cho trùn quế, sau đó trùn quế là nguồn thức ăn cho lươn. Do trùn quế có hàm lượng đạm cao nên lươn phát triển khỏe mạnh, nhanh lớn, thịt thơm ngon, giá bán tốt. Hiện nay, Hợp tác xã chăn nuôi 200 con bò, trong đó bò sinh sản là 31 con, còn lại là bò thương phẩm.
Theo thống kê, từ khi nuôi bò sinh sản, vỗ béo, trùn quế, lươn, trừ chi phí Hợp tác xã thu lợi nhuận ba tỷ đồng/năm”. Chị Hà Thị Đầm, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa vốn là hộ cận nghèo, từ khi tham gia Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Hoàng Thức đến nay đã có việc làm ổn định với mức thu nhập tốt. Chị Đầm chia sẻ: “Mấy năm trước, vợ chồng tôi không có việc làm ổn định. Hằng ngày, gia đình nào trên địa bàn có việc thì thuê đến làm nhưng thu nhập cũng thấp lắm! Thời gian đó, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Hiện nay, hai vợ chống tôi đều làm việc tại Hợp tác xã với mức lương sáu triệu đồng/người/tháng”.
Cũng là một trong những đơn vị được hưởng lợi từ chương trình, Giám đốc, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) Hoàng Văn Oanh cho biết: “Khi tham gia, Hợp tác xã được hỗ trợ một ô-tô tải giúp vận chuyển hàng hóa nhanh chóng và linh hoạt hơn cho bà con. Từ đó nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí vận chuyển, cải thiện khả năng cạnh tranh và tăng thu nhập cho các thành viên. Đến nay, Hợp tác xã đã hỗ trợ 30 lao động thuộc các hộ khó khăn tại địa phương vào làm việc với mức thu nhập 250.000 đồng/người/ngày”.
Ngoài một số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, trong năm 2023 chương trình cũng đã hỗ trợ nhiều hợp tác xã ở các tỉnh khác nhằm giúp sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả và tạo việc làm cho các hộ nghèo, khó khăn. Trong đó, Hợp tác xã Nông nghiệp nông thôn Phúc Than, bản Nà Phái, xã Phúc Than, huyện Than Uyên (Lai Châu) từ nguồn vốn hỗ trợ đã trồng mới 3 ha cỏ voi, xây dựng khu chuồng trại 600 m2 phục vụ chăn nuôi. Trong quá trình triển khai, Hợp tác xã đã liên kết và tạo việc làm cho 25 lao động là hộ nghèo tại địa phương với mức thu nhập 200 nghìn đồng/người/ngày.
Ngoài ra, để phát huy hiệu quả trong sản xuất, Hợp tác xã đã tận dụng nguồn phụ phẩm như: Phân bò ủ làm phân vi sinh phân bón cho cây trồng, giúp giảm chi phí, tăng năng suất và sản lượng đem lại lợi nhuận cao. Còn tại Liên hiệp Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Mai Sơn (Sơn La), sau khi được hỗ trợ đã dùng nguồn vốn mua giống dâu tây, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Hiện nay, trung bình sản lượng dâu tây đạt 20 tấn quả/tháng; số dâu tây này dùng để bán tươi hoặc chế biến thành các sản phẩm như sấy dẻo. Do dâu tây được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ cho nên giá bán cao hơn dâu tây bình thường. Hiện tại, mỗi ngày Liên hiệp Hợp tác xã tạo việc làm cho 25 lao động là các hộ khó khăn với mức lương 200.000 đồng/ngày/người…
Tiếp sức cho các hợp tác xã
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang Lê Anh Tuấn: “Trên địa bàn tỉnh có ba hợp tác xã được Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ. Sau một thời gian các hợp tác xã đã phát huy hiệu quả nguồn vốn vay và tạo nhiều việc làm cho những hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn trên địa bàn. Từ kinh nghiệm thực tế làm việc ở hợp tác xã, các hộ đã mạnh dạn đầu tư con giống để chăn nuôi tại gia đình giúp tăng thêm nguồn thu nhập. Thời gian tới, chúng tôi sẽ kiểm tra, hướng dẫn để các hợp tác xã tham gia chương trình tiếp tục phát huy tốt hơn nữa hiệu quả nguồn vốn và giúp đỡ thêm được nhiều hộ nghèo phát triển kinh tế bền vững”.
Chương trình hợp tác xây dựng mô hình kinh tế nông nghiệp điển hình gắn với xây dựng nông thôn mới giữa Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương và Quỹ Thiện Tâm nhằm cùng với các địa phương xây dựng một số mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết các hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt khó khăn để thoát nghèo bền vững và mô hình nông nghiệp đa giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đó, Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ vay vốn một tỷ đồng không lãi suất trong 10 năm cho các hợp tác xã đủ điều kiện tham gia.
Các hợp tác xã sử dụng nguồn vốn để mua con giống, cây giống, máy móc, tư liệu sản xuất nhằm gia tăng giá trị sản xuất, kinh doanh theo hướng công nghệ cao. Đồng thời, các hợp tác xã cũng cam kết giúp 25 hộ khó khăn trên địa bàn có thu nhập ổn định. Đại diện Quỹ Thiện Tâm cho biết, trong năm 2023, các đơn vị đã hỗ trợ 20 hợp tác xã điển hình ở 11 địa phương như: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình… với 500 hộ dân được hưởng lợi. Trong số 20 hợp tác xã, Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ bảy hợp tác xã chăn nuôi trâu, bò, trung bình là 50 con/hợp tác xã; một hợp tác xã nuôi dê, một hợp tác xã nuôi hươu…
Các mô hình triển khai đều ghi nhận kết quả tích cực khi vận dụng tốt nguồn vốn để nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo đảm việc làm cho người lao động với thu nhập ổn định. Trong đó, có những thành viên làm tốt, nhiệt tình và tâm huyết được hợp tác xã trả lương từ 7 đến 8 triệu đồng/tháng. Kế hoạch năm 2024, chương trình tiếp tục hỗ trợ 69 hợp tác xã ở các địa phương: Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi… nâng cao năng lực nhằm phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó, gia tăng lợi nhuận và tạo thêm nhiều việc làm với thu nhập ổn định cho các hộ khó khăn ở địa phương.
Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh cho rằng: “Để chương trình mang lại hiệu quả, chúng tôi đã khảo sát kỹ các hợp tác xã từ đó làm cơ sở hỗ trợ. Sau sáu tháng triển khai các hợp tác xã đã phát huy được kết quả tốt, tác động trực tiếp, tích cực đến các hộ nghèo, khó khăn. Khởi đầu của dự án đã phát huy hiệu quả cho nên kế hoạch trong thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường năng lực cho các hợp tác xã này để các đơn vị hiểu rõ được sử dụng nguồn vốn, nắm bắt được quy trình sản xuất bền vững. Để phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, thời gian tới các bên tham gia, địa phương, hợp tác xã cần xây dựng các mô hình liên kết thị trường, chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.
Đồng thời, quảng bá sản phẩm của các hợp tác xã nhằm nâng cao thu nhập trong sản xuất và tạo việc làm ổn định cho các hộ nghèo và khó khăn; xây dựng, định hướng, cung cấp các khóa đào tạo về kỹ năng quản lý hợp tác xã, kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh và tiếp thị sản phẩm để giúp nông dân và hợp tác xã tự tin hơn trong phát triển và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh; hợp tác, liên kết sâu rộng với các chương trình, dự án trong nước và ngoài nước, giúp nông dân, hợp tác xã tiếp cận với những công nghệ tiên tiến, phương pháp canh tác hiện đại, giúp nâng cao năng lực, sức cạnh tranh sản phẩm...”.