Tảo nở hoa gây ô nhiễm hồ Hà Nội

Tảo xâm nhập hồ Thiền Quang.
Tảo xâm nhập hồ Thiền Quang.


"Độ đạm" của nước cao

Ba hồ Thiền Quang, Thành Công, Giảng Võ là hồ điều hòa của TP. Hà Nội, nay đột nhiên bị ô nhiễm khiến không khí trở nên ngột ngạt, người dân hoang mang. Công ty Hà Thủy liền gấp rút phối hợp với Phòng Thuỷ sinh học (Viện Công nghệ Môi trường) điều tra, nghiên cứu hiện trạng ba hồ.

Theo ông Phùng Vinh Quang (Giám đốc Công ty Hà Thủy - đơn vị trực tiếp quản lý ba hồ trên)! Rất may là tình trạng ô nhiễm ở ba hồ đều vào cuối hè, nếu trúng vào những đợt nắng nóng trước thì rất nguy bởi nước thải của Hà Nội không phải là nước công nghiệp, 99% nước thải sinh hoạt, cộng với các loại hoá chất (như xà phòng, chất tẩy rửa...) xả ra các cống rãnh rồi đổ vào các hồ. Tổng lượng nước thải sinh hoạt của khu vực nội thành Hà Nội khoảng 500.000m3/ngày đêm, trong đó khoảng 100.000m3/ngày đêm là nước thải của cơ sở công nghiệp, dịch vụ và bệnh viện.

Tảo đơn bào ở các hồ mới cải tạo gặp thời tiết thuận lợi sinh sôi rồi chết, lớp mới lại phát triển dày đặc làm độ đạm của nước tăng cao. Nước bài tiết đổ vào hồ đều từ các bể phốt tự hoại 90% không đúng tiêu chuẩn, chảy ra cống rãnh.

Nguy hiểm đến cả tính mạng con người

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Công nghệ Môi trường tháng 8-2004, các hồ trên đều trong tình trạng "tảo nở hoa". Hiện tượng nở hoa của tảo bắt nguồn từ sự bùng phát ồ ạt của vi tảo, phần lớn là vi khuẩn lam có khả năng sản sinh ra độc tố tại các thuỷ vực, kéo theo sự nhiễm độc và làm chết các loài thuỷ hải sản, động vật nuôi, động vật hoang dã. Khi mặt hồ nổi váng xanh gây mùi hôi thối ô nhiễm chung quanh hồ, Công ty Hà Thuỷ đã thả thử cá nhưng cả hai đợt thả, cá đều chết do ăn phải tảo độc. Người ăn phải cá này cũng dễ bị nhiễm độc.

Thuỷ vực nước ngọt có khoảng 50 - 70% mẫu nước có vi tảo nở hoa gây độc, trong đó vi khuẩn lam (VKL) sản ra độc tố gan (hepatoxins) thường hay gặp hơn VKL sản ra độc tố thần kinh (Neurotoxins). Kết quả nghiên cứu thuỷ lý - thuỷ hoá ở ba hồ cho thấy, nước cả ba hồ đều ở mức độ phì dưỡng nặng, hàm lượng T - N và T - P (chất hữu cơ và vô cơ) vượt quá tiêu chuẩn cho phép, hàm lượng oxy thấp, độ PH thuận tiện cho loài tảo lam phát triển dày đặc làm nước hồ có mầu xám xanh, ô nhiễm hữu cơ và cacbonic rất cao. Hàm lượng NH4+, NO2, (PO4)3 - đều vượt quá ngưỡng cho phép nuôi trồng thuỷ sản theo tiêu chuẩn TCVN5945 - 1995. Gặp thời tiết nắng nóng như dịp cuối tháng 7 đầu tháng 8 vừa qua, nhiệt độ dao động 29 - 36,5oC càng thuận lợi cho tảo độc phát triển.

Cũng theo Viện Công nghệ Môi trường, thành phần thực vật phù du và tảo độc ở cả ba hồ rất đa dạng, chủ yếu là tảo lục, tảo silic đặc biệt là tảo lam (Cyanophyla). Vào thời điểm khảo sát (tháng 8-2004), vi khuẩn lam chiếm ưu thế trong quần xã thực vật phù du và tuyệt đại đa số các loài tảo này đều có khả năng sản ra độc tố, tỷ lệ tảo độc trên 90% (hồ Thiền Quang 93,8% -chủ yếu là chi tảo độc Oscillatoria; hồ Thành Công 96%, hồ Giảng Võ 99% -chi tảo độc Microcystis chiếm ưu thế). Tất cả đều phát triển rồi từ từ chết gây mùi hôi thối và ô nhiễm như xác chết.

Tảo nở hoa ngăn không cho ánh sáng mặt trời chiếu xuống nước thực hiện trao đổi chất, các loài phiêu sinh được đà sinh sôi nảy nở dày đặc, gây ra hiện tượng khử oxy, nhiễm độc môi trường nước khiến tôm, cá không thể sinh sống.

Về giải pháp xử lý, ông Phùng Vinh Quang cho biết: "Công ty Hà Thủy đã và đang cho dùng vợt vải màn vớt váng tảo chết, mỗi vợt vớt 5 - 6kg tảo, bỏ vào bao đem chôn xuống đất và rắc vôi bột khử trùng. Trước mắt, các hồ tạm dừng thả cá giống cho tới khi nước hồ ổn định, xử lý cơ bản được các loại tảo độc. Công ty tiếp tục phối hợp cùng Viện Công nghệ Môi trường, Phòng Môi trường (Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất Hà Nội) tăng cường quan trắc chất lượng nước ba hồ để có giải pháp xử lý chính thức, tránh ô nhiễm môi trường.

Chúng tôi còn phải lo gây dựng lớp động thực vật phù du để ổn định nước và nuôi cá trong hồ để hè sang năm hiện tượng nở hoa của tảo bùng phát sẽ tiêu hao nhanh. Hiện nuôi cá là biện pháp sinh học hiệu quả để giảm độ ô nhiễm hữu cơ trong các hồ khi chưa có trang thiết bị, công nghệ để xử lý triệt để sự ô nhiễm. Hiện tượng tảo nở hoa sẽ còn tái phát, thường tới năm thứ ba sẽ ít và tắt dần nhưng cũng có trường hợp phải sáu năm mới hết tảo.

Quang điểm của Công ty là tách nước thải sinh hoạt ra khỏi hồ nhưng chỉ mới tách được mùa khô. Mùa mưa vẫn phải đổ nước vào để xử lý úng ngập trong thành phố và hậu quả là ô nhiễm nước hồ cả năm. Hy vọng, sau khi kết nối các hồ ở Yên Sở, hệ thống nước hồ gắn liền với nhau, môi trường các hồ trong nội thành sẽ tốt hơn".