Khác với lĩnh vực giao thông hàng không, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa (giao thông ở các lĩnh vực này có tính chuyên ngành, chủ yếu là người làm nghề vận tải chuyên nghiệp và có tỷ lệ rất nhỏ, người có bằng, chứng chỉ chuyên môn ở các lĩnh vực này chỉ bằng gần 1% so với số người có giấy phép lái xe cơ giới đường bộ), giao thông đường bộ là nơi mà hầu hết mọi công dân đều tham gia giao thông và phần lớn bằng các phương tiện cá nhân.
Theo thống kê, ở Việt Nam hiện nay có khoảng 64 triệu xe mô-tô, 5 triệu xe ô-tô. Phương tiện giao thông đường bộ tăng cao, hạ tầng giao thông chưa phát triển, ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm nên tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ diễn ra rất phức tạp.
Tai nạn giao thông từ năm 2009 đến nay xảy ra 334.901 vụ, làm chết 101.810 người, bị thương 336.094 người, hầu hết trong số này mang thương tật nặng suốt đời, để lại gánh nặng cho gia đình và cả xã hội.
Tai nạn giao thông đường bộ chiếm hơn 95% trong tổng số các vụ tai nạn giao thông. Trong các vụ tai nạn giao thông đường bộ, nguyên nhân được xác định là do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ chiếm 90%. Tội phạm hình sự hoạt động trên các tuyến giao thông đường bộ còn nhiều.
Những năm qua, cả hệ thống chính trị đã có nhiều chủ trương, giải pháp và hành động mạnh mẽ để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và kết quả đạt được đã có những tiến bộ nhất định. Song, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ vẫn là một thách thức lớn, vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng, hậu quả rất đau lòng, chưa đạt được yêu cầu đặt ra là có môi trường giao thông trật tự, an toàn, văn minh, bền vững, bảo đảm bình yên trên những con đường và phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đột phá chiến lược trong xây dựng pháp luật và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Năm 2018, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ phối hợp các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương triển khai hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ song song với Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ điều chỉnh những vấn đề về trật tự, an toàn giao thông đường bộ thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) điều chỉnh vấn đề về kết cấu hạ tầng, vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật.
Đến nay, sau ba năm triển khai theo đúng trình tự thủ tục, hai dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã được trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.
Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ tạo ra bước đột phá về trật tự, an toàn giao thông đường bộ với những nội dung đột phá về chính sách như: Xác định trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và đã xác định rõ, cụ thể một cơ quan chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông có mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người do các hành vi vi phạm pháp luật giao thông và pháp luật khác của người điều khiển phương tiện gây ra.
Vì vậy, Dự án Luật này đã xác định, ngành công an chịu trách nhiệm chính về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, trong đó công tác quản lý người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ (từ kiến thức, ý thức pháp luật; năng lực hành vi; kỹ năng điều khiển phương tiện đến quá trình chấp hành pháp luật…) là một nội dung quan trọng, xuyên suốt có ý nghĩa then chốt để bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Dự án Luật đã quy định cụ thể công tác tổ chức giao thông đường bộ và sự phối hợp trong công tác này giữa các cơ quan liên quan; Quy định về Trung tâm giám sát, xử lý vi phạm giao thông đường bộ và hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung về trật tự, an toàn giao thông là giải pháp khoa học công nghệ có ý nghĩa quan trọng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và quản lý nhiệm vụ của người thực thi pháp luật; Công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông và tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đã được quy định cụ thể về nội dung, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong Luật.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu từ thực tiễn, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý, bổ sung một số nội dung như: Có chính sách giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân song song với chính sách phát triển phương tiện giao thông công cộng; Đối với Trung tâm giám sát, xử lý vi phạm cần quy định rõ về công tác về quản lý, lắp đặt, sử dụng hệ thống giám sát giao thông để bảo đảm quyền cá nhân của công dân và phục vụ có hiệu quả việc thực thi pháp luật; Quy định cụ thể: Cơ quan có trách nhiệm chính và cơ quan có trách nhiệm phối hợp trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và tổ chức hướng dẫn cho cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia giữ gìn trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Quy định cụ thể về vượt xe và trách nhiệm phải kịp thời nhường đường cho xe sau vượt, bỏ khái niệm xe “xin vượt” và “cho vượt”; quy định tốc độ lưu hành của phương tiện giao thông đường bộ trong Luật này để mọi người tham gia giao thông (trong đó có cả người nước ngoài) dễ tìm, dễ nhớ và thực hiện nghiêm…; Bổ sung các giải pháp cụ thể bảo đảm thực thi pháp luật nghiêm minh và có hiệu quả.