Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sau đại dịch

NDO -

Nhân dịp Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, phối hợp tổ chức thành công “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021” (ngày 5/12), phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường đại học Hàng hải Việt Nam về lĩnh vực đầu tư nguồn nhân lực kinh tế biển chất lượng cao, chuẩn đầu ra nhằm kích hoạt nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững sau đại dịch Covid-19.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường đại học Hàng hải Việt Nam.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường đại học Hàng hải Việt Nam.

Phóng viên: Kinh tế biển luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của Hải Phòng cũng như của cả nước. Để kinh tế biển phát triển mạnh, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hiện có, theo ông chúng ta cần phải tập trung vào công việc gì?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương: Kinh tế biển đã, đang và sẽ luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng. Đảng, Nhà nước ta đã có Chiếc lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển, trong đó tập trung phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tận dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, khoa học, công nghệ mới, thu hút chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, nhân lực chất lượng cao.

Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri năm qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo thành phố, các đại biểu Quốc hội đều rất quan tâm thực hiện hiệu quả cao nhất việc Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định: xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành trọng điểm phát triển khoa học-công nghệ biển của cả nước, đặc biệt trong các ngành mà thành phố Hải Phòng có lợi thế, như kinh tế biển, hàng hải, vận tải biển, dịch vụ logistics, đóng tàu, cơ khí,...

Để Hải Phòng trở thành địa phương mạnh về biển, giàu từ biển, là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước, thành phố đã xác định các ngành, lĩnh vực trọng tâm là: Du lịch, kinh tế hàng hải, nuôi trồng và khai thác thủy sản, công nghiệp ven biển, phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới…

Trong đó, trước mắt tập trung phát triển hệ thống cảng, dịch vụ cảng và vận tải biển. Hải Phòng phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ hàng hải và vận tải biển lớn của Việt Nam, có vị thế trong khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, phát triển công nghiệp biển, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, phát triển khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải thành trung tâm kinh tế hiện đại của cả nước, là cửa chính mở ra biển, đồng thời, đưa Hải Phòng trở thành trung tâm đóng mới và sửa chữa tàu biển lớn của Việt Nam… Cơ cấu kinh tế thành phố cũng phát triển theo hướng ưu tiên hoạt động dịch vụ-công nghiệp kinh tế biển, tập trung mạnh mẽ vào các ngành dịch vụ logistics, dịch vụ hàng hải…

Để đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế biển của Hải Phòng và cả nước, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực khoa học và công nghệ biển có chất lượng cao và chuẩn đầu ra. Đây sẽ là cơ sở quan trọng kích hoạt nền kinh tế nói chung và lĩnh vực kinh tế biển nói riêng phát triển nhanh, bền vững, nhất là sau đại dịch Covid-19.

Phóng viên: Thưa ông, giải pháp để phát triển nguồn nhân lực về kinh tế biển thời gian tới là gì?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương: Nhân lực phục vụ chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước nói chung và của Hải Phòng nói riêng luôn phải được đặt trong bối cảnh hội nhập toàn cầu đang rất sâu và rộng. Chính vì vậy, nguồn nhân lực này phải luôn đáp ứng yêu cầu chất lượng rất cao ở cả ba trụ cột: Kiến thức - Kỹ năng - Thái đô.

Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế biển, Đảng và Nhà nước cần có những cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ các cơ sở đào tạo thuộc lĩnh vực này, đặc biệt trong bối cảnh các trường đại học công lập đã chuyển sang cơ chế tự chủ. 

Cần tăng cường công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên. Đây là nhiệm vụ cần thực hiện từ các bậc học phổ thông, với mục tiêu giúp cho người học hiểu rõ về nghề nghiệp và thu hút được nguồn tuyển sinh chất lượng cho các cơ sở đào tạo; đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông của các ngành kinh tế biển một cách thường xuyên, liên tục, tránh trào lưu nhất thời.

Cùng với đó, các cơ sở đào tạo cần liên tục chủ động cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo, thu hút nguồn nhân lực giảng viên có năng lực và kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Tăng cường kết nối đào tạo trong và ngoài nước cũng như kết nối đào tạo giữa nhà trường - doanh nghiệp và phát triển theo chuỗi.

Ngoài ra, công tác hợp tác quốc tế cũng mang lại giá trị cho các cơ sở đào tạo về đào tạo giảng viên, nâng cao năng lực cơ sở vật chất, phát triển nghiên cứu khoa học và đổi mới chương trình đào tạo.

Và một yếu tố quan trọng nữa là cần đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo. Xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin là tất yếu trong toàn xã hội nói chung và trong các ngành kinh tế biển nói riêng, đòi hỏi người học phải được tiếp cận chuyển đổi số từ khi còn đang trên ghế nhà trường và nhất là đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay khi chúng ta đang phải đối mặt với tác động mạnh của đại dịch bệnh Covid-19…

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Mỗi năm Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đào tạo gần 4 nghìn cử nhân thuộc 48 chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực kinh tế biển như: kỹ thuật công nghệ, khoa học hàng hải, tự động điều khiển, viễn thông, xây dựng công trình cảng và thềm lục địa, đóng tàu, xử lý môi trường, công nghệ thông tin, kinh tế vận tải biển, kinh tế vận tải thủy, kinh tế ngoại thương, logistics, quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng, marketing…

Tuy nhiên, việc đào tạo nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu hiện tại cũng như xu hướng phát triển của lĩnh vực này trong tương lai. Nhất là tại Hải Phòng, khi mà thành phố vẫn tập trung thực hiện 3 trụ cột kinh tế là: công nghiệp, cảng biển - logicstics và du lịch - thương mại.

(Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương)