Đảng và Nhà nước xác định vai trò nền tảng của khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, xem đây là “đột phá chiến lược”, là “động lực chính” để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đồng thời, đã ban hành các chủ trương, đường lối, chính sách, định hướng lớn để phát triển đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.
Chính phủ đã có nhiều giải pháp đầu tư nâng cao các chỉ số đổi mới sáng tạo như: Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học; xây dựng chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, nhất là trong doanh nghiệp; phát triển Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia...
Đến nay, các điều kiện khung phục vụ phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia đã được hình thành như: Chính sách bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, đổi mới hoạt động khoa học-công nghệ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, triển khai các quỹ hỗ trợ, phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, tăng cường gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với sản xuất, kinh doanh… Các doanh nghiệp dần nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của hoạt động đổi mới sáng tạo, đưa nội dung này trở thành trung tâm của các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, hoạt động đổi mới sáng tạo đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện trong 13 năm. Năm 2023, Việt Nam xếp 46/132 quốc gia/nền kinh tế, tăng hai bậc so với năm 2022, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp; là một trong bảy quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập niên qua.
Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở các địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ đã được giao xây dựng Bộ Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) và triển khai trên toàn quốc từ năm 2023. Ngày 12/3/2024, lần đầu Bộ Khoa học và Công nghệ công bố kết quả triển khai bộ chỉ số này.
Đây là công cụ đo lường năng lực và kết quả đổi mới sáng tạo của từng địa phương, góp phần cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia và xây dựng, thực thi các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai và công bố Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương hằng năm.
Trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, kết nối, tạo môi trường chính sách, thể chế, và doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống, với các hoạt động đổi mới sáng tạo. Cùng với việc hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ngày càng phát triển mạnh mẽ đã tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu.
Trong những năm qua, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ của khối tư nhân, Nhà nước đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo đã và đang phát triển tương đối năng động và hiệu quả với sự tham gia tích cực của các chủ thể trong hệ sinh thái. Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đang hình thành tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương.
Hơn 20 địa phương đã và đang thành lập Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo để kết nối các nguồn lực địa phương, vùng và quốc gia. Năm 2023, Việt Nam ước tính có khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó 11 doanh nghiệp được định giá hơn 100 triệu USD, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh.
Đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo giữ được mức phát triển tốt so với các nước khu vực ASEAN, đứng thứ ba về số lượng thương vụ đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, sau Indonesia và Singapore.
Thời gian qua, hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam chủ yếu được thể hiện qua đổi mới quy trình, sản phẩm, phương thức quản lý và cải thiện dịch vụ, thị trường. Trong đó, hoạt động đổi mới quy trình, sản phẩm dựa trên đổi mới công nghệ xuất phát từ quá trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Nhà nước với những chính sách hỗ trợ kịp thời, được coi là “bà đỡ” trong hoạt động này.
Thí dụ, với sự hỗ trợ của Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, một số doanh nghiệp đã đổi mới công nghệ thành công như Tập đoàn Sao Mai chuyển giao, hoàn thiện công nghệ tinh luyện dầu, công nghệ enzym thu nhận bột đạm từ phụ phẩm cá tra thành các loại dầu thực phẩm, bột nêm, bột cá chất lượng cao.
Công ty cổ phần ô-tô Trường Hải ứng dụng công nghệ tự động hóa vào sản xuất, điều hành. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, Việt Nam còn nhiều dư địa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Mặc dù hoạt động đổi mới sáng tạo đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, nhưng theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ thì mức độ đóng góp chưa đáp ứng được kỳ vọng, chưa tương ứng với mức độ phát triển quốc gia cũng như xu hướng chung của thế giới.
Một phần nguyên nhân do khuôn khổ, hành lang pháp lý về đổi mới sáng tạo chưa đầy đủ, sự chồng chéo, thiếu đồng bộ, thống nhất giữa Luật Khoa học và Công nghệ với các luật khác liên quan... Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý để phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trường đại học, viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh; đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh.
Các chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế đặc thù thúc đẩy mạnh mẽ năng lực sáng tạo quốc gia; cần đặt nhân tố con người - nguồn nhân lực chất lượng cao vào trung tâm của sự phát triển. Khung chính sách về khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo cần dịch chuyển theo hướng hỗ trợ đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp…