Đến nay, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh có 160 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư tương đương hơn 12 tỷ USD; trong đó, có 51 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD (chiếm 84% tổng vốn đầu tư); gần 110 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư khoảng 1,9 tỷ USD (chiếm 16%). Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của Khu Công nghệ cao thành phố tăng dần hằng năm: năm 2021 đạt 20,9 tỷ USD, năm 2022 đạt 23 tỷ USD và dự kiến năm 2023 đạt 26 tỷ USD.
Các dự án đầu tư đã được cấp phép vào Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh tập trung theo đúng bốn lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư: Vi điện tử-công nghệ thông tin-viễn thông; cơ khí chính xác-tự động hóa; công nghệ sinh học; vật liệu mới-năng lượng mới. Đây là những lĩnh vực ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Với thành quả thu hút đầu tư như trên, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh dần trở thành thương hiệu quốc tế, là nơi lý tưởng để các tập đoàn công nghệ đa quốc gia uy tín chọn làm địa điểm đầu tư.
Cụ thể, Khu Công nghệ cao thành phố thu hút hơn 10 tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới gồm: Intel, Jabil, Rockwell Automation (Hoa Kỳ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Sonion (Đan Mạch), Datalogic (Italia), Sanofi (Pháp), TTI (Đức)... và được đánh giá là khu công nghệ cao thành công nhất trong các khu công nghệ cao quốc gia.
Đáng chú ý, về hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), hiện Khu Công nghệ cao thành phố có 30 dự án hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, đào tạo, vườn ươm. Trong số này, dự án FDI có ba dự án với tổng vốn đầu tư hơn 130 triệu USD; dự án trong nước có 27 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 17.220 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, Khu Công nghệ cao thành phố đã đạt được những thành quả quan trọng trong thu hút và phát triển các dự án công nghệ cao, qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa phương cách triển khai, thúc đẩy thu hút các dự án công nghệ cao đến đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, tạo ra xu hướng cho các khu công nghiệp, khu chế xuất ở thành phố chuyển dần sang sản xuất các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao.
Tuy nhiên, các hoạt động lan tỏa này từ Khu Công nghệ cao thành phố chưa đạt như kỳ vọng là nhanh chóng tạo vùng kinh tế theo hướng công nghệ cao, hiện đại. Việc hợp tác, liên kết giữa các viện, trường, giữa cộng đồng doanh nghiệp các khu công nghiệp, khu chế xuất với Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh còn mang tính cục bộ, nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Công tác quản lý nhà nước, nhất là mô hình quản lý vận hành của Khu Công nghệ cao thành phố chưa đáp ứng tính đặc thù của hoạt động công nghệ cao, cần có điều chỉnh về thẩm quyền một cửa tại chỗ, cải tiến thủ tục hành chính, cấp thu hồi giấy phép đầu tư, xây dựng…
Những bất cập này đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách thực tế hơn để đẩy mạnh sự lan tỏa có hiệu quả cao về ứng dụng công nghệ cao và tạo dựng nền công nghiệp hiện đại cho đất nước.
Để Khu Công nghệ cao thành phố trở thành hạt nhân khoa học-công nghệ, một trung tâm đổi mới sáng tạo, tạo sức lan tỏa về thu hút các dự án công nghệ cao, các nhà khoa học cho rằng đơn vị này cần đẩy mạnh việc đầu tư, hỗ trợ kết nối các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ươm tạo, nhất là nâng cao năng lực nội sinh bằng cách phát triển các doanh nghiệp trong nước làm công nghệ...
Theo ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Khu Công nghệ cao thành phố nên tập trung mạnh cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển là quá trình khó, mất nhiều thời gian, cho nên để thu hút hoạt động nghiên cứu và phát triển, cần có chính sách ưu đãi mạnh hơn so với doanh nghiệp sản xuất tại Khu Công nghệ cao. Để làm được việc này cần thu hút nhân lực từ các trường đại học, viện nghiên cứu, chọn lọc, đào tạo chuyên sâu và liên kết hợp tác trong và ngoài nước.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thời gian tới, đơn vị có chủ trương thành lập Khu Công viên khoa học-công nghệ với mục tiêu nâng cao năng lực nội sinh với hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa các sản phẩm công nghệ...; trong đó, chú trọng đến các ngành công nghiệp nền tảng như vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin... nhằm hình thành các doanh nghiệp mới về công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của Khu Công nghệ cao, phát triển Khu Công nghệ cao trở thành một khu công viên khoa học-công nghệ đạt chuẩn mực quốc tế, là môi trường thuận lợi để các trí thức giao lưu, ứng dụng và sáng tạo tri thức.
"Khu Công nghệ cao đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành một khu công nghệ cao đạt trình độ thế giới, hoạt động theo mô hình của khu công viên khoa học-công nghệ, trong đó việc mở rộng, bổ sung chức năng khu công viên khoa học-công nghệ là nhiệm vụ quan trọng, chiến lược", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi nhấn mạnh.