Để khai thác hiệu quả CDĐL nhung hươu Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng mô hình kết nối người chăn nuôi và doanh nghiệp, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, đồng thời đề xuất nghiên cứu khoa học về tác dụng của nhung hươu đối với sức khỏe con người.
Dịp này là thời điểm duy nhất trong năm, hươu Hương Sơn cho nhung. Khách từ nhiều nơi tìm về Hương Sơn để cắt nhung, yên tâm mua những sản phẩm bảo đảm chất lượng, có tem truy xuất nguồn gốc. Giá nhung hươu đã nhích lên kể từ lúc xây dựng CDĐL, từ 800 nghìn đồng/lượng lên 1,5 triệu đồng/lượng. CDĐL được cấp với thủ tục nhanh chóng, vào đúng thời điểm thu hoạch nhung hươu đã nhân lên niềm vui cho người nuôi.
Ông Phạm Văn Thưởng, ở xã Sơn Trung cho biết, gia đình ông nuôi hươu từ năm 1972 đến nay. Hiện, trang trại nuôi của gia đình có 100 con hươu, mỗi năm thu hoạch 30 kg nhung hươu. Khi chưa có CDĐL, chưa có tem truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng dễ bị mua nhầm nhung hươu của vùng khác. Khi đã có CDĐL, với sự kiểm soát chặt chẽ chất lượng từ cơ quan quản lý và hội chăn nuôi, người chăn nuôi và người tiêu dùng đều được bảo vệ quyền lợi. Khi thị trường ổn định, gia đình ông sẽ tăng đàn hươu.
Nhung hươu Hương Sơn được bảo hộ CDĐL trên phạm vi 32 xã, thị trấn thuộc huyện Hương Sơn. Theo giấy chứng nhận đăng ký CDĐL, danh tiếng của nhung hươu Hương Sơn được quyết định bởi tính chất đặc thù về điều kiện địa lý, quy trình kỹ thuật chăn nuôi. Luật sư Võ Ngọc Dao (Công ty luật ATD Lawyers ), người hỗ trợ các thủ tục tạo lập CDĐL cho biết, đoàn khảo sát đã thu thập các mẫu nhung hươu, thức ăn, đất, nước... để chứng minh tính khác biệt của sản phẩm. Kết quả phân tích các mẫu nhung hươu và thức ăn cho thấy, chất dinh dưỡng có trong thức ăn là thành phần chính tạo nên chất lượng sản phẩm. Tại vùng nuôi hươu có rất nhiều cây cỏ sữa, cây ráng và cây bét bét, với hàm lượng prô-tê-in, chất xơ cao. Hươu chủ yếu ăn các loại cây này mà không cần bổ sung thức ăn tinh. Nguồn nước của khu vực rất tinh khiết và trong lành. Các đặc thù này quyết định chất lượng nhung hươu Hương Sơn, với hàm lượng prô-tê-in, can-xi, a-xít a-min cao hơn mẫu nhung hươu của các địa phương khác.
Đồng thời, tỉnh Hà Tĩnh xây dựng công cụ quản lý và khai thác CDĐL để ngay sau khi được bảo hộ, sản phẩm sẽ có đủ các tiêu chuẩn để ra thị trường. Ông Trần Mạnh Hùng, quyền Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và chuyên ngành (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh) cho biết, hiện nay, hội sản xuất, kinh doanh hươu đã thành lập và đi vào hoạt động, với nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi cho người chăn nuôi và phát triển thị trường. Quá trình đào tạo, tập huấn, vận hành thử nghiệm hoạt động của hội chăn nuôi đã giúp hoàn thiện mô hình quản lý CDĐL.
Ngoài ra, bộ nhận diện thương hiệu (tem truy xuất nguồn gốc, túi đựng sản phẩm...) đã được xây dựng, sử dụng. Các biện pháp này giúp nâng cao chất lượng, quy trình sản xuất, ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây là cách làm năng động, bền vững, tránh được tình trạng cấp CDĐL nhưng không quan tâm quản lý, phát triển như một số địa phương hiện nay. Việc tạo lập gắn liền với quản lý, khai thác các tài sản trí tuệ sẽ được áp dụng để xây dựng các nhãn hiệu tập thể sắp tới của Hà Tĩnh như: cam Khe Mây, nước mắm Kỳ Anh, cam Sơn Mai... Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN), những kết quả đã đạt được về phát triển tài sản trí tuệ của Hà Tĩnh đã thể hiện rõ vai trò tham mưu của Sở KH và CN Hà Tĩnh.
Hiện nay, tổng đàn hươu Hương Sơn có khoảng 35 nghìn con, sản lượng 15 tấn/năm. UBND huyện Hương Sơn có kế hoạch mở rộng, tăng số hộ nuôi và phát triển quy mô nuôi từ 10 đến 20 con/hộ. Phấn đấu đạt 60 nghìn con vào năm 2020. Ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết, mặc dù đặc thù chất lượng của nhung hươu Hương Sơn đã được phân tích qua chỉ số của các hàm lượng prô-tê-in, can-xi..., nhưng địa phương mong muốn các nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu sâu hơn về giá trị của nhung hươu đối với sức khỏe con người, hoặc các bài thuốc, cách dùng để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, qua đó, kêu gọi đầu tư, phát triển các công nghệ chế biến sâu các sản phẩm từ nhung hươu. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm xem xét, đưa hươu sao ra khỏi danh mục động vật rừng thông thường, bổ sung vào danh mục giống vật nuôi nhằm tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh và xây dựng thương hiệu.