Tạo khung pháp lý ký kết, thực hiện Điều ước quốc tế phù hợp lợi ích của đất nước

NDĐT - Dự thảo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) trình tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII gồm chín chương, 86 điều. Dự thảo được kiến nghị có hiệu lực kể từ ngày 1-6-2016 để đẩy nhanh việc phê chuẩn các Điều ước quốc tế, đặc biệt là việc phê chuẩn Hiệp định TPP.

Ảnh: Trần Hải.
Ảnh: Trần Hải.

Phù hợp với lợi ích đất nước

Ngày 29-10, Quốc hội đã nghe tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi).

Một trong những mục tiêu xây dựng dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (ĐƯQT) (sửa đổi) (sau đây gọi là dự thảo Luật) nhằm tạo khung pháp lý vừa chặt chẽ, vừa linh hoạt, đáp ứng nhu cầu ký kết và thực hiện ĐƯQT phù hợp với lợi ích của đất nước.

Dự thảo Luật tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp nhằm tạo điều kiện cho việc xây dựng, hình thành những cam kết quốc tế đem lại và bảo vệ tối đa lợi ích của đất nước. Quyền chủ động của các cơ quan trong đề xuất ký kết và triển khai thực hiện các ĐƯQT phải đi kèm với trách nhiệm, có cơ chế phân công, phối hợp, kiểm tra.

Dự thảo Luật nhằm triển khai thực hiện các quy định mới của Hiến pháp năm 2013, bổ sung, điều chỉnh các nội dung về thẩm quyền cũng như thủ tục, quy trình để thực hiện thẩm quyền hiến định của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực ĐƯQT, tôn trọng và góp phần triển khai thực hiện, bảo vệ các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, nguyên tắc dân chủ, pháp quyền đã được nêu bật trong Hiến pháp năm 2013.

Dự thảo Luật ĐƯQT (sửa đổi) gồm chín chương, 86 điều, giảm 21 điều so với 107 điều của Luật ĐƯQT năm 2005.

Các quy định của Luật được sắp xếp theo trình tự của hoạt động ký kết ĐƯQT, bắt đầu từ đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập tới hiệu lực, thông báo đối ngoại, tổ chức thực hiện ĐƯQT, quản lý nhà nước và giám sát việc ký kết và thực hiện ĐƯQT. Dự thảo gộp các nội dung thuộc các giai đoạn ký kết ĐƯQT, gồm gia nhập, bảo lưu ĐƯQT vào cùng chương Ký kết ĐƯQT và bổ sung hai chương mới: Chương “Trình tự, thủ tục rút gọn” và Chương “Thủ tục đối ngoại”.

Theo đó, Chính phủ kiến nghị sửa tên gọi của Luật thành “Luật Điều ước quốc tế” vì lý do như bảo đảm tính khái quát, dễ hiểu, phù hợp với thực tiễn tên các luật của nước ta và thực tiễn quốc tế.

Dự thảo Luật ĐƯQT (sửa đổi) xác định phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm việc ký kết, lưu chiểu, lưu trữ, sao lục, công bố, đăng ký, thực hiện, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện ĐƯQT (Điều 1). Việc sửa đổi định nghĩa ĐƯQT (khoản 1 Điều 2) là điểm mới cơ bản, có tính bao trùm, tác động đến nhiều nội dung trong dự thảo Luật ĐƯQT (sửa đổi).

Việc sửa đổi, bổ sung tạo quy trình đầy đủ, thống nhất về ký kết ĐƯQT, nhấn mạnh quyền chủ động và trách nhiệm của cơ quan đề xuất, tăng cường cơ chế phân công, phối hợp với các cơ quan liên quan.

Dự thảo Luật cụ thể hoá quy định của Hiến pháp đối với ĐƯQT về “tư cách thành viên của CHXHCN Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng” thuộc thẩm quyền quyết định phê chuẩn, gia nhập, chấm dứt hiệu lực của Quốc hội, đó là các ĐƯQT về việc thành lập, tham gia tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng mà nếu tham gia, rút khỏi tổ chức quốc tế đó sẽ ảnh hưởng đến chính sách cơ bản về đối ngoại, về phát triển kinh tế - xã hội, về tài chính, tiền tệ (khoản 4 Điều 29). Đây là các chính sách cơ bản thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội theo khoản 4 Điều 70 Hiến pháp năm 2013.

Dự thảo Luật cũng làm rõ “ĐƯQT về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định phê chuẩn, gia nhập” để khắc phục vướng mắc do cách giải thích khác nhau về vấn đề này trong thời gian vừa qua. Quy định này nhằm mục đích phân biệt các ĐƯQT về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân với các ĐƯQT về hợp tác chuyên ngành có liên quan đến quyền của cá nhân, nhưng không trực tiếp điều chỉnh quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như: ĐƯQT về tương trợ tư pháp, dẫn độ, chuyển giao người bị thi hành án phạt tù, nuôi con nuôi, phòng chống tội phạm và các ĐƯQT về hợp tác chuyên ngành khác.

Bảo đảm thống nhất với các văn bản pháp luật khác

Báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật về cơ bản phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, dự thảo Luật có một số quy định về một số vấn đề chưa được quy định tại Hiến pháp năm 2013 như: việc lấy ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các ĐUQT có quy định khác hoặc chưa được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội (Điều 15, Điều 43 khoản 1 dự thảo Luật); thẩm quyền của Quốc hội trong việc phê chuẩn điều ước quốc tế mà việc thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội (Khoản 6 Điều 29); thẩm quyền của Tòa án trong công tác điều ước quốc tế (khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật)...

Do hoạt động ký kết điều ước quốc tế có tính chất phức tạp, liên quan đến tất cả các bộ, ngành và diễn ra trên tất cả các lĩnh vực, ban soạn thảo tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Quản lý nợ công ... và một số dự án luật đang trong quá trình xây dựng như dự án Luật Trưng cầu ý dân, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ...

Về tính khả thi, các quy định tại dự thảo Luật được xây dựng chi tiết, chỉ có một nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết về kinh phí bảo đảm cho công tác ĐƯQT (Điều 85 dự thảo Luật) nên có thể áp dụng ngay sau khi Luật có hiệu lực. Mặc dù vậy, các quy định tại dự thảo Luật nhằm cụ thể hóa khoản 14 Điều 70 Hiến pháp về các loại ĐƯQT thuộc thẩm quyền Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt chưa cụ thể, rõ ràng để bảo đảm cách hiểu và thực hiện thống nhất trên thực tế.

Ủy ban Đối ngoại cho rằng, định nghĩa ĐƯQT tại dự thảo Luật về cơ bản phù hợp với Công ước Viên về Luật Điều ước năm 1969. Các thỏa thuận, cam kết về vay nợ nước ngoài nếu được ký nhân danh Nhà nước, Chính phủ với bên ký kết nước ngoài như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Các thỏa thuận vay cụ thể khác được thực hiện theo quy trình, thủ tục ký kết và phê duyệt thỏa thuận được quy định tại Luật Quản lý nợ công (do phía đối tác ký các thỏa thuận này chỉ thực hiện giao kết dân sự, kinh tế, không là chủ thể của pháp luật quốc tế theo quy định tại khoản 3 Điều 2 dự thảo Luật). Ban soạn thảo cần nghiên cứu để Luật điều chỉnh cả các loại thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, nhân danh Chính phủ như trên hoặc cần sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý nợ công để quy định cụ thể trình tự, thủ tục ký kết các thỏa thuận vay vốn ODA nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Dự thảo Luật quy định Quốc hội phê chuẩn "điều ước quốc tế mà việc thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội" (khoản 6, Điều 29 dự thảo Luật). Ủy ban Đối ngoại cho rằng, đây là vấn đề mới, có liên quan đến tính hợp hiến, tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật, cần được cân nhắc kỹ về mặt thẩm quyền. Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội không quy định thẩm quyền của Quốc hội trong nội dung này.

Ủy ban Đối ngoại kiến nghị Luật này có hiệu lực kể từ ngày 1-6-2016 để đẩy nhanh việc phê chuẩn các ĐƯQT, đặc biệt là việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Dự kiến, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về những nội dung của dự án Luật này trong ngày 23-11 tới.

Có thể bạn quan tâm