Cùng suy ngẫm

Tạo hành lang pháp lý cho mô hình hoạt động tổ đoàn kết trên biển

Những năm qua, mô hình Tổ đoàn kết sản xuất trên biển ở các tỉnh miền trung, nhất là đối với nghề đánh bắt xa bờ đã phát huy hiệu quả thông qua việc hỗ trợ nhau trong sản xuất và cứu nạn khi xảy ra sự cố.
0:00 / 0:00
0:00
Tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Nghệ An ra khơi. Ảnh: THANH YÊN
Tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Nghệ An ra khơi. Ảnh: THANH YÊN

Tuy nhiên, về cơ bản mô hình này hoạt động dựa trên nguyên tắc tự vận động và tự nguyện là chính, cho nên thiếu bài bản và lúng túng trong điều hành, chưa phát huy hết hiệu quả trong phát triển nghề cá một cách bền vững.

Cuối tháng 5/2024, tàu cá số hiệu QB 92657 TS do ông Phan Văn Chừng, trú tại xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đang đánh bắt hải sản trên vùng biển xa thì bị dông lốc làm chìm tàu. Rất may, một tàu của ngư dân trong xã đang hoạt động gần đó đã kịp thời phát hiện và cứu sống bốn người. Không chỉ cứu nạn trên biển mà các tổ đoàn kết, tổ hợp tác của ngư dân Quảng Bình nói riêng, các tỉnh miền trung nói chung đã thực hiện rất tốt việc hỗ trợ nhau khi khó khăn, hoạn nạn.

Nhiều tàu cá công suất lớn ra vào bị mắc cạn ở các cửa biển miền trung đã được chính các tàu cá trong tổ đoàn kết hợp sức giải cứu, bảo đảm an toàn cho người và tài sản của ngư dân.

Chính vai trò quan trọng và sự cần thiết đó mà trong những năm gần đây, các tỉnh miền trung đã thành lập hàng nghìn tổ, nhóm đoàn kết trên biển với sự tham gia của hàng chục nghìn thành viên là ngư dân. Họ tập hợp nhau trong tổ đoàn kết do cùng nghề đánh bắt, cùng địa phương, dòng tộc và có khi cùng chí hướng vươn khơi làm giàu từ biển.

Tại một hội thảo về phát triển bền vững kinh tế biển diễn ra tại Quảng Bình, nhiều đại biểu đến từ các tỉnh miền trung đánh giá cao vai trò của tổ đoàn kết trong phát triển nghề cá. Không chỉ tương trợ cho sản xuất và chủ động, kịp thời cứu hộ, cứu nạn lẫn nhau khi tàu cá gặp sự cố, mà thông qua các tổ, nhóm đoàn kết trên biển để chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tuyên truyền các chính sách, quy định pháp luật về đánh bắt hải sản trên biển, nhất là quy định về khai thác IUU; đồng thời hướng dẫn, khuyến cáo các chủ tàu cá giám sát lẫn nhau trong việc chấp hành pháp luật trên biển.

Tuy nhiên, về cơ bản, tổ, nhóm đoàn kết trên biển là cơ chế tập hợp trên tinh thần tự nguyện, tự chủ tài chính của ngư dân. Chính quyền và ngành chức năng của địa phương chủ yếu hỗ trợ, tuyên truyền về chủ trương, chính sách liên quan. Trong số các tỉnh miền trung, riêng tỉnh Thanh Hóa có quyết định thành lập các tổ đoàn kết trên biển và cuối năm 2023 tỉnh ban hành phương án củng cố, phát triển tổ đoàn kết sản xuất trên biển giai đoạn 2023-2030.

Gần đây, mô hình Nghiệp đoàn nghề cá ra đời nhưng hiệu quả hoạt động còn hạn chế do chưa tập hợp được đông đảo ngư dân tham gia. Do chưa có “hành lang” pháp lý chính thức nên hoạt động, cách thức điều hành của các tổ, nhóm đoàn kết trên biển mỗi nơi có khác nhau. Theo ngư dân Nguyễn Tuấn Anh, ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), cách thức tập hợp và sinh hoạt trong tổ đoàn kết trên biển đều do họ nghĩ ra và tự thảo luận với nhau rồi cùng thực hiện, chứ chưa có văn bản nào hướng dẫn cả.

Vì thế, để mô hình tổ, đội tàu thuyền đoàn kết hoạt động hiệu quả và bền vững, lãnh đạo Chi cục Thủy sản các tỉnh miền trung cho rằng, trước hết cần phải nhân rộng cách làm của tỉnh Thanh Hóa khi có phương án củng cố, phát triển tổ đoàn kết trên biển; đồng thời các địa phương phải có chính sách hỗ trợ các tổ, nhóm đoàn kết hoạt động hiệu quả để động viên, khích lệ tinh thần ngư dân bám biển sản xuất.

Các ngư dân cũng cho rằng, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần hỗ trợ, hướng dẫn để duy trì chế độ thông tin liên lạc, nâng cao năng lực của người tổ trưởng trong công tác điều hành, quản lý tổ; duy trì sinh hoạt định kỳ giữa các thành viên trong tổ đoàn kết cũng như thường xuyên gợi mở, trao đổi, lồng ghép các vấn đề, nội dung lên quan đến nghề cá và các quy định trên biển để ngư dân nắm bắt và thực hiện tốt.

Điều cơ bản nữa là Nhà nước cần có thêm các chính sách hỗ trợ sản xuất khi ngư dân tham gia vào tổ, đội đoàn kết, nhất là chính sách cho vay vốn để phát triển sản xuất, giúp bà con ngư dân yên tâm bám biển làm giàu.