Động lực phát triển kinh tế biển tại Bình Định

Với mục tiêu “phấn đấu trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm tốp đầu khu vực miền trung”, Bình Định đã tập trung vào việc phát triển dịch vụ cảng biển gắn liền logistics.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc Cảng Quy Nhơn.
Một góc Cảng Quy Nhơn.

Trong tiến trình hội nhập và phát triển, kinh tế biển đã trở thành một trong những điểm nhấn quan trọng tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ 20. Cảng Quy Nhơn có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế cảng biển ở Bình Định do nằm ở vị trí chiến lược trong vịnh Quy Nhơn, có bán đảo Phương Mai chắn gió, thuận lợi cho việc neo đậu tàu thuyền và xếp dỡ hàng hóa. Đây cũng là nơi mà các tàu đến 30.000 DWT và tàu 50.000 DWT (giảm tải) có thể ra/vào bình thường.

Nâng tầm công suất

Trong lộ trình xây dựng và phát triển, Cảng Quy Nhơn đã khẳng định vai trò thương cảng lớn của miền trung - Tây Nguyên, đóng góp nhiều thành tựu vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương qua các chiến lược đầu tư bài bản để trở thành cảng hiện đại, vươn tầm quốc tế.

Theo báo cáo của Công ty CP Cảng Quy Nhơn, trong số các dự án được thực hiện, Dự án mở rộng Cảng Quy Nhơn đến năm 2030 (giai đoạn 1) là dự án trọng điểm. Bên cạnh đó là việc triển khai thủ tục đầu tư cảng cạn tại Tuy Phước, Bình Định. Cảng cạn này sẽ có năng lực thông qua 380.000 teus/năm với hệ thống kho, bãi, dịch vụ logistics đồng bộ. Đến năm 2030, Cảng Quy Nhơn sẽ thực hiện bước chuẩn bị đầu tư tuyến bến số 6 cho tàu từ 10.000 DWT đến 30.000 DWT khu vực phía bắc Cảng Quy Nhơn.

Đến nay, Cảng Quy Nhơn đã thực hiện nhiều dự án đầu tư quan trọng, bao gồm việc mở rộng cảng, nâng cấp bến số 1 và áp dụng công nghệ hiện đại vào quy trình sản xuất cũng như đã khai thác tuyến dịch vụ vận tải trực tiếp từ Cảng Quy Nhơn đi các nước khu vực Đông Bắc Á nhằm kết nối nguồn hàng tại khu vực Tây Nguyên xuất khẩu đi các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…

Trong bối cảnh đội tàu trên thế giới có xu hướng tăng mạnh về cỡ trọng tải để tăng năng suất, giảm chi phí vận tải biển, Cảng Quy Nhơn đã nắm bắt xu hướng này. Năm 2024, Cảng Quy Nhơn chính thức đưa vào khai thác sử dụng bến số 1, bảo đảm tiếp nhận đồng thời hai tàu 30.000 DWT đầy tải trong giai đoạn đầu, đồng thời bảo đảm tiếp nhận hai tàu tổng hợp, container 50.000 DWT trong giai đoạn sau, phù hợp với tiến trình nâng cấp, mở rộng tuyến luồng hàng hải Quy Nhơn. Để xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị phù hợp với một cảng biển quốc tế, bảo đảm tính hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của khu vực, tổng mức đầu tư dự kiến năm 2024 cho Cảng Quy Nhơn là 235,6 tỷ đồng.

Đón sóng mới từ quy hoạch mở rộng

Hiện nay, Cảng Quy Nhơn xác định mục tiêu “Lấy khách hàng làm trung tâm” để triển khai hành động, đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác phát triển thị trường, tập trung trọng điểm thị trường khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Từ đó thiết lập mối quan hệ với các hãng tàu, đại lý hàng hải, chủ hàng, đối tác để mở rộng thị trường, phát triển thêm một số khách hàng mới. Đồng thời kết nối làm việc với các tập đoàn lớn đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam để tăng sản lượng hàng hóa qua cảng nhằm giữ vững thị phần, khách hàng hiện có, thu hút khách hàng mới. Từng bước mở rộng được thị trường hàng hóa thông qua cảng đến các tỉnh Tây Nguyên, khu vực giáp biên giới Lào, Campuchia qua cửa khẩu Lệ Thanh, cửa khẩu Bờ Y.

Ông Đặng Văn Hòa, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Quy Nhơn cho biết, hiện công ty đang tiếp tục công tác khảo sát thị trường đối với nhóm hàng container để phát triển chuỗi dịch vụ container, logistics qua cảng, duy trì, phát triển tuyến dịch vụ container mới tại cảng, kết nối từ Quy Nhơn đi thị trường Đông Bắc Á. Qua đó đa dạng hóa được nguồn hàng xuất, nhập bằng container thông qua Cảng Quy Nhơn, chủ yếu là hàng viên gỗ nén, đá block, đặc biệt là hàng nông sản.

Đồng thời, theo dõi tiến độ của hai KCN Becamex - Vsip Bình Định và KCN Nam Pleiku, đây là hai khu công nghiệp được đánh giá thu hút đầu tư và đem lại hiệu quả kinh tế cho hai tỉnh Bình Định, Gia Lai trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến nông sản, thực phẩm, nguyên liệu sinh học mà các tập đoàn lớn đăng ký đầu tư. Công ty cũng dành sự ưu tiên cho công tác thị trường; tập trung xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và các giải pháp khách hàng, linh hoạt trong chính sách với khách hàng (các quy trình, quy định của cảng, chính sách về giá, chăm sóc, hỗ trợ khách hàng về thủ tục nhanh, gọn, hiệu quả…) nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng.

Đến nay, Cảng Quy Nhơn đã xây dựng phương án đầu tư thông qua hình thức liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư để huy động nguồn vốn của đối tác và khách hàng, tranh thủ công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao năng lực hoạt động doanh nghiệp, giảm áp lực tài chính và chia sẻ rủi ro. Đặc biệt là áp dụng chuyển đổi số trong kinh doanh, khách hàng, vận hành sản xuất, quản trị điều hành sản xuất, đặc biệt nâng cao trải nghiệm khách hàng/chăm sóc khách hàng qua trung tâm thông tin dữ liệu khách hàng (hệ thống Eport) và hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (CRM).

Việc thực hiện chuyển đổi số một cách đồng bộ và toàn diện đã tạo nên “hệ sinh thái công nghệ cảng” kết nối chuỗi hoạt động cảng với tệp khách hàng thông qua cổng thông minh, dữ liệu của khách hàng, số hóa các thủ tục, số hóa dịch vụ khách hàng. Trên nền tảng hệ thống điều hành khai thác cảng, hệ thống TOS sẽ tự động hóa một số khâu trong quá trình nhập - container, giúp quản lý khai thác bãi container khoa học, chính xác, thuận lợi hơn trong công tác lập kế hoạch, điều hành khai thác và giúp hạn chế nhân sự phải làm việc trực tiếp tại hiện trường.

Nhấn mạnh vai trò cũng như tầm quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển gắn với logistics, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, trong những năm tới, Bình Định phấn đấu trở thành một trung tâm lớn về kinh tế biển. Do vậy, đây là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong sự phát triển kinh tế Bình Định. Hiện nay, Cảng Quy Nhơn là một lợi thế lớn của tỉnh để kết nối với các vùng Tây Nguyên, đây cũng là cửa ngõ ra biển gần nhất đối với Nam Lào, Bắc Campuchia, Thailand.

Thời gian qua, Cảng Quy Nhơn đã phát huy rất tốt vai trò của mình, tuy nhiên dư địa cho cảng không còn bởi cảng nằm trong trung tâm thành phố, phải nạo vét thường xuyên thì những tàu cỡ lớn mới vào được, do đó đòi hỏi phải có quy hoạch mới để nâng tầm chất lượng dịch vụ cảng biển. Vì thế, trong thời gian tới, tỉnh sẽ mở rộng xây dựng cảng mới tại huyện Phù Mỹ và thị xã Hoài Nhơn để xử lý vận chuyển hàng hóa khi các dự án đường cao tốc bắc-nam, cao tốc Quy Nhơn-Pleiku hoàn thành.

Theo quy hoạch từ nay tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh sẽ xúc tiến xây dựng thêm ít nhất một cảng để giải phóng sức tiêu thụ hàng hóa ứ đọng tại Cảng Quy Nhơn, tạo thêm dư địa phát triển cho Bình Định về dịch vụ cảng biển, logistics.