Xu hướng này cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời để doanh nghiệp cùng lúc đạt được hai mục tiêu là tạo giá trị kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường.
Nhiều cơ hội phát triển
Ra mắt khi dịch Covid-19 đang bùng nổ, ứng dụng chăm sóc sức khỏe HASU được coi là sản phẩm đầu tiên dành cho lứa tuổi 50 trở lên tại Việt Nam nâng cao sức khỏe và tinh thần ngay tại nhà. HASU là một nền tảng công nghệ, cung cấp các nội dung chuyên môn, hướng dẫn người cao tuổi cách chăm sóc sức khỏe bản thân và hệ thống các bài tập luyện online; các khóa học đàn, hát, vẽ, nấu ăn tại nhà, đọc sách báo, chia sẻ, kết nối với nhau qua diễn đàn... Ứng dụng hiện đã có khoảng 12.000 người cao tuổi sử dụng, và đang chuẩn bị gọi vốn từ các nhà đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển. HASU đang là đại diện duy nhất tại Việt Nam được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Tập đoàn Samsung toàn cầu lựa chọn làm giải pháp tiêu biểu về ứng dụng sức khỏe tạo tác động xã hội và giới thiệu rộng rãi trên thế giới. HASU cũng đã đạt rất nhiều giải thưởng trong nước, quốc tế.
Dùng công nghệ để đưa ra mô hình kinh doanh mới như HASU đã trở thành một xu hướng phát triển. Một sản phẩm công nghệ khác có tính năng đặc biệt nhân rộng để giải bài toán ô nhiễm không khí trong nhà là máy lọc không khí AIRemydy của Công ty TNHH Tree Otek vừa nhận được thỏa thuận đầu tư 4,5 tỷ đồng từ Quỹ Vina Capital. Ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tree Otek cho biết, điểm khác biệt so với các thiết bị làm sạch không khí trên thị trường là máy không phải thay màng lọc, do vật liệu lọc được sử dụng làm giá thể trồng một số loại cây cảnh và cây cảnh sẽ "tiêu hóa" các khí độc VOC, bụi mịn trong quá trình sinh trưởng.
Theo đánh giá của ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), qua các cuộc thi Techfest, nhất là sau đợt dịch Covid-19 cho thấy, các start-up có rất nhiều ý tưởng mới và khả năng liên kết mới để giải quyết các bài toán cho xã hội và doanh nghiệp. Họ được gọi là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tạo tác động xã hội, hay là start-up "xanh". Trước đây, sáng tạo xã hội thường gắn với doanh nghiệp xã hội, tính chất phi lợi nhuận, thì nay đã trở thành mô hình kinh doanh mới của các start-up. Các start-up thích ứng nhanh, thấu hiểu nhu cầu của xã hội ở các lĩnh vực như: Môi trường, sức khỏe, chăm sóc người già, chăm sóc trẻ em, những vấn đề liên quan người khuyết tật,... Hiện, thị trường đã đón nhận một số giải pháp nổi bật như: Sản phẩm cánh tay rô-bốt cho người khuyết tật Vulcan, bao bì bảo quản sinh học của Công ty Galaxy Biotech, ứng dụng Sale work, ống hút cỏ Greenjoy, mô hình Dining in the Dark,…
Nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tạo tác động xã hội có nhiều cơ hội để mở rộng quy mô và phát triển mạnh mẽ. Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), Trưởng làng Thách thức và Sáng tạo xã hội của Techfest nhận định, trong bối cảnh Covid-19, các thách thức của môi trường càng rõ nét hơn, các vấn đề về đói nghèo và bất bình đẳng gia tăng, thì việc giải các bài toán đó của xã hội là vấn đề ưu tiên và là nhu cầu hàng đầu của thị trường. Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng đã đưa ra 10 xu hướng công nghệ, trong đó nêu bật các xu hướng công nghệ về giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tiếp cận các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, người già, người nghèo, người khuyết tật, thúc đẩy chuỗi cung ứng,... Doanh nghiệp nào nắm bắt được cơ hội, xu hướng và đi đầu, dẫn dắt sự thay đổi sẽ có cơ hội phát triển và mở rộng quy mô vượt bậc trong giai đoạn này. Càng ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài quan tâm đầu tư cho các start-up tạo các giá trị xã hội. Thí dụ, chương trình Shinhan Square Bridge đã đầu tư 1,5 triệu USD từ năm 2021 đến 2023 để hỗ trợ xây dựng xu hướng start-up khởi nghiệp sáng tạo giải quyết các thách thức xã hội tại Việt Nam.
Nhìn ở góc độ giải quyết các vấn đề môi trường, bà Nguyễn Như Quỳnh, chuyên gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Trưởng làng Công nghệ tạo tác động xã hội trong các kỳ Techfest chia sẻ, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26, các doanh nghiệp lớn đã có nhiều cam kết và hành động để đạt mục tiêu chung, và đây cũng là cơ hội cho các start-up đưa ra các ý tưởng, công nghệ mới để đạt cùng lúc hai mục tiêu về kinh tế và giảm phát thải tới mức thấp nhất. Ðồng thời, cũng là cơ hội để các chương trình, hỗ trợ cho start-up trong lĩnh vực này hình thành và phát triển mạnh mẽ hơn. Tiếp nối các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp tạo tác động trước đây, vừa qua, UNDP và các đối tác đã cam kết dành 2,5 triệu USD để hỗ trợ hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội ứng phó Covid-19 giai đoạn từ năm 2021 đến 2024, trong đó có nhóm khởi nghiệp sáng tạo tạo tác động xã hội.
Cần hành lang pháp lý cho doanh nghiệp
Hiện chưa có thống kê về con số cụ thể các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tạo tác động xã hội, nhưng có thể thấy số lượng các start-up lĩnh vực này xuất hiện ngày càng nhiều tại các cuộc thi, cũng như số lượng các tổ chức, chương trình hỗ trợ nhóm start-up này tăng nhanh chóng. Năm 2021, lần đầu bản đồ 100 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tạo tác động xã hội được UNDP và Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội (Trường đại học Kinh tế quốc dân) xây dựng. Theo đó, có rất ít doanh nghiệp trong nhóm này có tuổi đời từ 3-5 năm, phần lớn còn non trẻ, từ 1 đến dưới 2 năm, và mô hình kinh doanh này xuất hiện ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng tập trung chủ yếu tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Các thành phần khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp tạo tác động cũng hình thành và phát triển, như một số quỹ đầu tư tác động; các tổ chức hỗ trợ, và cung cấp dịch vụ; các đơn vị nghiên cứu cung cấp các kiến thức cho start-up; các đơn vị tạo lập thị trường; các cơ quan xây dựng chính sách.
Cũng bởi còn non trẻ cho nên hệ sinh thái cho khởi nghiệp sáng tạo tạo tác động xã hội vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều start-up cho rằng, do đặc thù sản phẩm có tính mới, sáng tạo, chưa nhiều người biết đến khiến doanh nghiệp chịu nhiều rủi ro, tốn nhiều thời gian và chi phí trong quá trình đưa sản phẩm ra thị trường. Ngô Thùy Anh, nhà sáng lập và điều hành dự án HASU cho rằng, thị trường nhân sự ngành công nghệ đang có sự cạnh tranh rất khốc liệt. Việt Nam đang là điểm đến của rất nhiều công ty, tập đoàn lớn về công nghệ và họ có nguồn lực lớn về tài chính, thương hiệu, sự chuyên nghiệp nên thu hút lượng lớn nhân sự công nghệ, lương trả cho nhân sự có kinh nghiệm đã vượt qua tầm với phần lớn các start-up nhỏ lẻ trong nước. Ðể giải quyết các khó khăn này cần có kế hoạch đào tạo, bổ sung lực lượng nhân sự công nghệ có chất lượng; tạo thêm môi trường thi đấu, triển lãm, kết nối với các nhà đầu tư và nguồn lực nước ngoài.
Dưới góc độ chuyên gia hỗ trợ các start-up, bà Nguyễn Như Quỳnh cho rằng, hiện chưa có tiêu chí xác định thế nào là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tạo tác động xã hội khiến các nguồn lực không được tập trung để hỗ trợ start-up. Bộ Khoa học và Công nghệ cần sớm xác định tiêu chí doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tạo tác động xã hội trong khuôn khổ Ðề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Ðề án 844), từ đó mới có hành lang hỗ trợ các start-up. Mặt khác, cần đưa các start-up tạo tác động vào chương trình hỗ trợ của Ðề án 844 và các chương trình có liên quan; nâng cao nhận thức về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tạo tác động xã hội trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và trong cộng đồng. Sắp tới, UNDP và Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp nghiên cứu, tìm ra cơ chế phù hợp để xây dựng bước thử nghiệm chính sách liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tạo tác động xã hội tại Việt Nam.
Ông Phạm Hồng Quất thừa nhận, start-up "xanh" sẽ là giải pháp góp phần giải quyết các thách thức xã hội, môi trường bền vững và hệ sinh thái cho doanh nghiệp được xây dựng sẽ thu hút làn sóng đầu tư "xanh". Trong hệ sinh thái này, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong xây dựng các chính sách hỗ trợ. Chúng ta cần tham khảo mô hình thành công của nhiều nước là Chính phủ thành lập Quỹ đầu tư tác động xã hội, với vốn mồi ban đầu và thu hút tập đoàn, tư nhân cùng tham gia để tạo nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có hành lang chính sách để các start-up tiếp cận được thị trường, các sản phẩm vào được khu vực công, như bệnh viện, trường học,… Cần có hỗ trợ của nhiều bên trong hệ sinh thái để start-up khai thác tốt thị trường trong nước và liên kết, hợp tác, học hỏi với bên ngoài.