Tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản Nghệ An

Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An cho biết, thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã tập trung thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ địa phương, lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu để đầu tư xác lập bảo hộ và phát triển thương hiệu sản phẩm Nghệ An.
0:00 / 0:00
0:00
Tỉnh Nghệ An trao kết quả nghiên cứu cho các đơn vị sử dụng.
Tỉnh Nghệ An trao kết quả nghiên cứu cho các đơn vị sử dụng.

Tại Quyết định số 1551/QĐ-UBND ngày 6/6/2022, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2030. Triển khai thực hiện, Sở đã nghiên cứu xây dựng một số sản phẩm chủ lực mang thương hiệu hiệu quốc gia của Nghệ An. Đồng thời, phát hiện, giúp đỡ các doanh nghiệp bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, bản quyền giống cây trồng, trên cơ sở đó thương mại hóa tài sản trí tuệ của mình.

Sở cũng tập trung nguồn lực để đầu tư đồng bộ theo chuỗi giá trị về khoa học, công nghệ, tổ chức sản xuất, thị trường và thương hiệu, chú trọng lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế vùng miền để xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Năm 2022-2024, Sở đã hướng dẫn cho 49 đơn vị hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp, trong đó có 3 sáng chế và giải pháp hữu ích, 45 nhãn hiệu, 1 kiểu dáng công nghiệp. Số văn bằng được bảo hộ tăng nhanh, đặc biệt là nhãn hiệu hàng hóa của các doanh nghiệp.

Từ năm 2022-2024, có 180 bằng được bảo hộ, tăng 15% so với cùng thời kỳ. Hiện, Sở đang xây dựng 2 hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý là “Trám Thanh Chương” và “ Trà Hoa vàng miền tây Nghệ An”. Sở đã chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Chương trình 100 sản phẩm đặc sản và truyền thống địa phương có tác động khoa học, công nghệ. Đến nay, đã có hơn 83 sản phẩm là các cây con đặc sản, đặc thù, cây con chủ lực, có lợi thế cạnh tranh. Các sản phẩm truyền thống của Nghệ An được hỗ trợ đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ tạo ra các sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường.

Những chính sách, chương trình, đề án về phát triển kinh tế-xã hội được tỉnh, các huyện, thành, thị ban hành trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả góp phần thúc đẩy Chương trình phát triển vượt bậc kể chiều rộng và chiều sâu. Tính đến nay, số sản phẩm địa phương có thể phát triển thành hàng hóa là 159 sản phẩm, trong đó, 84 sản phẩm chế biến và 75 sản phẩm cây trồng, vật nuôi. Ngân sách sự nghiệp khoa học, công nghệ đã tác động tới 38 sản phẩm chế biến (chiếm 45% tổng số sản phẩm chế biến) và 45 sản phẩm cây trồng vật nuôi (chiếm 60% tổng số sản phẩm cây trồng, vật nuôi).

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An, việc khai thác phát triển các nhãn hiệu tập thể chưa hiệu quả, các mô hình xây dựng nhãn hiệu tập thể tại các huyện, thành, thị mới chỉ dừng lại ở khâu các lập quyền, việc thực hiện khai thác phát triển chưa tốt. Đối với các tài sản đã được bảo hộ, các doanh nghiệp chưa chủ động quảng bá, xúc tiến thương mại, khai thác giá trị để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Thêm vào đó, chưa có sự vào cuộc trong quản lý và khai thác của các cấp, các ngành.

Để thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ ở địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ cần tiếp tục hỗ trợ xác lập bảo hộ và phát triển thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, bản quyền giống cây trồng, trên cơ sở đó thương mại hóa tài sản trí tuệ của mình.