Để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ nêu trên, tỉnh Hà Nam đã huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, trong đó chú trọng công tác dân vận, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương về công tác giải phóng mặt bằng, từ đó đã bảo đảm được tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin
Thị xã Duy Tiên được tỉnh Hà Nam xác định là địa phương trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh. Hai năm qua, trên địa bàn thị xã có 40 dự án triển khai với diện tích đất thu hồi 526ha; 5.498 hộ bị ảnh hưởng; tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ hơn 864,2 tỷ đồng. Quá trình triển khai công tác giải phóng mặt bằng tại một số dự án còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc về giá đất, đơn giá tài sản… và sự so sánh về chính sách, khung giá đền bù giữa người bị thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hà Nam với người bị thu hồi đất thuộc các tỉnh, thành phố lân cận. Ví như phường Bạch Thượng có vị trí địa lý giáp với Thủ đô Hà Nội, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, Bạch Thượng đã thực hiện nhiều dự án liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Để triển khai nhiệm vụ giải phóng mặt bằng có hiệu quả, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo, giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, bảo đảm hài hòa lợi ích chính đáng của nhân dân; tích cực gặp gỡ, đối thoại, kịp thời lắng nghe, giải đáp các ý kiến, thắc mắc của người dân, nhất là các hộ có đất bị thu hồi phục vụ dự án. Ông Bùi Đức Long, Chủ tịch UBND phường Bạch Thượng chia sẻ: “Tất cả dự án giải phóng mặt bằng đều phát sinh các khó khăn, đòi hỏi phải kịp thời tháo gỡ để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Vừa qua, chúng tôi đã giải quyết thấu tình, đạt lý với trường hợp gia đình ông Trần Văn Hiền, tổ dân phố Văn Phái liên quan đến việc giải phóng mặt bằng đối với dự án đường điện 110kV của tỉnh. Lúc đầu do ông Hiền chưa hiểu hết các quy định của Nhà nước về giải phóng mặt bằng nên có nhiều kiến nghị, thắc mắc gửi lên phường. Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công dân, được biết ông Hiền đang là hội viên cựu chiến binh, chúng tôi đã giao cho đồng chí Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường trực tiếp tới gia đình ông Hiền, làm tốt công tác tư tưởng, đồng thời tuyên truyền, vận động, giải thích và cùng tìm cách tháo gỡ từng nút thắt của vấn đề. Từ đó, ông Hiền đã hiểu thấu vấn đề và đồng thuận với chủ trương thu hồi 200m2 đất của gia đình để phục vụ nhiệm vụ chung của tỉnh”.
Từ năm 2017 đến nay, xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng đã triển khai hơn 10 dự án liên quan đến công tác thu hồi đất, thực hiện giải phóng mặt bằng. Cùng với đó là thực hiện chủ trương di chuyển mồ mả riêng lẻ và chuẩn bị một bước trước đầu tư các dự án lớn của huyện Kim Bảng với hàng nghìn ngôi mộ. Chỉ trong hai tháng cuối năm 2021, xã Tân Sơn đã vận động nhân dân di chuyển được 536 ngôi mộ về các nghĩa trang tập trung. Ông Nguyễn Văn Chanh, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cho biết: “Dự án nào khi thực hiện giải phóng mặt bằng cũng đều phát sinh những tình huống khó khăn mà phần lớn đều bắt nguồn từ những thắc mắc, kiến nghị chưa đồng tình từ phía người dân. Chính vì thế, chúng tôi xác định cùng với việc chính quyền phải thực hiện công khai, minh bạch các chính sách thì trong quá trình tổ chức thực hiện không được chủ quan, áp đặt; mỗi cán bộ cần kiên trì nghe dân nói, nói dân hiểu và làm cho dân tin, để tạo sự đồng thuận từ người dân. Đơn cử như trường hợp gia đình bà Ngô Thị Vi ở thôn Thụy Sơn có hơn một sào ruộng bị ảnh hưởng bởi dự án làm cầu Tân Lang. Lúc đầu bà cũng băn khoăn chưa đồng tình về vấn đề giá cả và tiếc phần ruộng nhà mình đang canh tác… Sau khi nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của gia đình bà Vi, xã đã cử các đoàn thể, phối hợp cùng chính quyền thôn đến kiên trì giải thích, vận động nhiều ngày và từ đó đã giúp bà Vi hiểu, chấp hành nghiêm theo quy định”.
Với phương châm nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin, Ban Dân vận các cấp tỉnh Hà Nam đã phối hợp cùng chính quyền kịp thời nắm bắt tình hình, những khó khăn, vướng mắc của nhân dân để tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác giải phóng mặt bằng. Từ sự đồng thuận của nhân dân, nhiều dự án lớn đầu tư trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động đúng tiến độ, có đóng góp cho ngân sách nhà nước cũng như tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân có đất thu hồi được làm việc trong các khu công nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Ông Đinh Văn An, Phó Trưởng Ban Dân vận tỉnh Hà Nam cho biết: Với phương châm “Đến từng ngõ-Gõ từng nhà”, “Vận động từng bước, kiên trì thuyết phục” để tạo được sự đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng, Ban Dân vận cấp ủy các cấp đã tăng cường công tác nắm tình hình nhân dân trước, trong và sau khi thực hiện dự án, nhất là tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân chịu ảnh hưởng bởi các dự án để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền kịp thời giải quyết, đối với những trường hợp chưa đồng thuận, xác định chia nhóm đối tượng để có hình thức vận động phù hợp.
Bảo đảm lợi ích chính đáng của nhân dân
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng có vai trò quan trọng trong thực hiện các dự án, trong đó việc thực hiện cơ chế, chính sách về bồi thường, hỗ trợ là một trong những vấn đề luôn được người dân quan tâm. Với vai trò là cơ quan tham mưu trong lĩnh vực này, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam đã tham mưu cho tỉnh ban hành các quy định thuộc thẩm quyền để thống nhất thực hiện trên địa bàn. Ông Hoàng Văn Long, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam cho biết: Trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, ngoài việc tuân thủ theo quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thu hồi, các cơ chế, chính sách, còn phải tuân thủ quy chế dân chủ ở cơ sở để tạo sự đồng thuận cao của người dân; đồng thời, cần thực hiện xây dựng, phê duyệt phương án bồi thường minh bạch, công khai; cơ chế, chính sách trong bồi thường, hỗ trợ phù hợp với thực tế, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất để từ đó tạo được sự đồng thuận và chấp hành của người dân. Đây chính là yếu tố quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành giải phóng mặt bằng các dự án, tránh không làm phát sinh khiếu nại, tố cáo đông người, góp phần ổn định tình hình trật tự tại địa phương.
Từ năm 2019 đến nay, huyện Kim Bảng thu hút 60 dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án trọng điểm như: Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, đường Ba Sao-Bái Đính, sân golf 36 hố tại xã Tượng Lĩnh, tuyến đường kết nối vành đai 4 với vành đai 5, quốc lộ 21B,... với hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng. Khối lượng công việc lớn, song công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đều bảo đảm theo kế hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện, từng bước góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và bảo đảm các tiêu chí của đô thị loại IV. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kim Bảng cho biết: Trong chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, huyện thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường công tác đối thoại, hòa giải, giải quyết kịp thời đơn thư, đề nghị của công dân nên đã giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định. Huyện cũng đã nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, phụ trách hộ quần chúng của đảng viên; chỉ đạo đảng bộ các xã, thị trấn đưa nội dung giải phóng mặt bằng vào nghị quyết hằng tháng của đảng ủy để lãnh đạo, chỉ đạo; phân công rõ nhiệm vụ cho từng tập thể, cá nhân và kiểm điểm trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, thực hiện quy chế dân chủ trong giải phóng mặt bằng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, bà Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam khẳng định: Việc triển khai thực hiện các dự án bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đúng cơ chế, chính sách, đáp ứng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Công tác đối thoại, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, giải quyết.
Tỉnh Hà Nam xác định công tác giải phóng mặt bằng là yếu tố then chốt để đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Dự kiến giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh triển khai giải phóng mặt bằng khoảng 9.000ha đất, chính vì vậy công tác dân vận và thực hiện quy chế dân chủ trong giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ quan trọng, “đi trước, mở đường” nhằm tạo sự đồng thuận của nhân dân. Có thể coi đây là “giải pháp mềm” giúp cấp ủy, chính quyền các cấp đưa chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng “đến gần” với người dân, giúp tiến độ triển khai các dự án bảo đảm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.